thiền trà hay thuyền trà?

 
1991. Thiền trà gạn nước hồng mai,
1992. Thong dong nối gót thư trai cùng về.

Đây là 2 câu thơ cuối trong đoạn tả Hoạn thư ở Quan Âm Các, đang chuẩn bị về nhà riêng cùng chồng là Thúc sinh.

Hai câu thơ nhẹ nhàng uyển chuyển, vẽ ra cảnh vợ chồng thong thả đưa nhau về nhà. Thật là hạnh phúc êm đềm.

Không có thắc mắc nào về 2 câu thơ chữ nôm 1991-1992 phiên âm sang quốc ngữ (chữ abc) như trên, tôi chuyển cho anh Nguyễn Hữu Vinh (hiện sống ở Taiwan) duyệt lại như thường lệ. 

Số là chúng tôi, từ đầu năm 2021, cùng nhau soạn lại một trang web mới về Truyện Kiều http://vietnamtudien.org/TruyenKieu/, có chữ Nôm và chữ Quốc ngữ đối chiếu, thêm phần chú giải và vài tiện ích (tools) tra cứu, với mục đích giúp người đọc ngày nay tiếp cận một áng văn chương bất hủ Việt Nam.


Thật bất ngờ khi nhận được ý kiến của anh Vinh hồi đáp về cách đọc âm chữ Nôm “thiền” này trong câu thơ dòng 1991:

Chữ «thuyền trà» 船茶 (câu 1991) chỉ có một nghĩa rất giản dị tự nhiên đối với người Tàu.
(1991) thuyền trà: 船茶 chỉ cái khay — có hình như chiếc thuyền —, đựng bộ đồ pha trà như bình trà, dĩa, tách, chén, muỗng..., trên mặt khay có nhiều lỗ nhỏ để nước trà uống dư chảy xuống dưới khay. 2 câu thơ 1991-1992 có nghĩa là: sau tuần trà, khi nước trà pha trong chén đã hơi lâu chuyển sang màu đỏ sậm (như màu của trái hồng mai), được gạn lọc xác trà lại và đổ nước xuống khay, thì vợ chồng Thúc sinh ra về.

Image Internet: thuyền trà 船茶

Tôi bỗng giật mình, liền lục xem lại hơn chục bản phiên âm Truyện Kiều dùng làm tài liệu tham khảo cho dự án trang web của chúng tôi.

Nhất loạt, các nhà chú giải — từ Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim, Tản Đà… đến Lê Văn Hòe, Đào Duy Anh —, đều ghi âm đọc câu thơ 1991 là:

1991. Thiền trà cạn (/rót/) nước hồng mai

Trong sách Truyện Kiều Bản Kinh đời Tự Đức (Lâm Nọa Phu 1870), trang 334, Nguyễn Quảng Tuân ghi âm đọc là «thuyền trà», nhưng âm đọc “thuyền” chỉ là một âm đọc khác của “thiền”, chứ vẫn mang cùng nghĩa: “trà pha ở nhà chùa”.

Các bản nôm Tăng Hữu Ứng 1874, Chu Mạnh Trinh 1906  còn khắc rõ ràng là: thiền trà 禪茶 (thay vì 船茶 như trong bản chữ Nôm 1866 (*) dùng làm bản khảo sát chính trong dự án này).

(*) Kim Vân Kiều Tân Truyện, Tiên Điền Lễ tham Nguyễn Hầu soạn, Liễu Văn Đường tàng bản, Tự Đức thập cửu niên trọng xuân tân san (tháng 2 năm 1866)

Ngay cả trong 2 bản dịch Truyện Kiêu sang tiếng Pháp và tiếng Anh

Kim-Vân-Kiêu, traduit du vietnamien par Xuân-Phúc et Xuân-Việt, Connaissance de l'Orient, Gallimard/UNESCO, 1961, Paris, France

The Tale of Kieu, Nguyễn Du, A Bilingual Edition, Translated by Huỳnh Sanh Thông, Yale University Press, 1983, New Haven and London, United States of America

cùng đều ghi 2 chữ “thiền trà”, theo nghĩa “trà pha ở nhà chùa”.

Tham khảo thêm tài liệu sau đây:

Tư liệu Truyện Kiều, Thử tìm hiểu bản sơ thảo Đoạn Trường Tân Thanh, Nguyễn Tài Cẩn, Nhà xuất bản Giáo dục, 2008, Việt Nam

cũng không thấy nhà ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn đặt vấn đề gì về cách đọc “thiền trà”.

Ngẫm nghĩ một hồi, thấy ý kiến anh Vinh (“thuyền trà”) rất hợp tình hợp cảnh, mà cách đọc Nôm của các nhà kia (“thiền trà”) đều có cái lý của họ.

Chỉ còn cách xét lại “vấn đề” từ gốc.

Trong Truyện Kiều còn có 5 câu khác dùng chữ «thiền» 禪 này:

1933. Sồng nâu từ trở màu thiền
2043. Tiểu thiền quê ở Bắc Kinh
2061. Cửa thiền vừa cữ cuối xuân
3043. Mùi thiền đã bén muối dưa
3044. Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng

Tất cả 5 trường hợp chữ «thiền » đều theo nghĩa là «chùa» hay theo nghĩa rộng là “những gì liên quan về nhà chùa hoặc việc tu tập theo Phật giáo”.

Xin ghi lại dưới đây một cách chính xác ý nghĩa của chữ «thiền» 禪:

Phạm: dhyāna. Pāli: jhāna. Cũng gọi Thiền na, Đà diễn na, Trì a na. Hán dịch: Tĩnh lự, Tư duy tu tập, Khí ác, Công đức tùng lâm. Chỉ cho trạng thái định tuệ đồng đều, tâm chuyên chú vào 1 đối tượng nào đó, rất vắng lặng để tư duy một cách sâu sắc, rõ ràng. (Phật Quang Đại Từ Điển 佛光大辭典, Thích Quảng Độ dịch)

Ta có thể đặt 2 câu hỏi như sau:

a) Tại sao trong bản nôm Liễu Văn Đường 1866, dùng làm bản nôm chính trong ứng dụng http://vietnamtudien.org/TruyenKieu/ chỉ có câu 1991 dùng chữ  船 (thuyền) thay cho chữ 禪 (thiền) như trong 5 câu kia (1933, 2043, 2061, 3043, 3044)?

b) Tại sao trong câu thơ 1991 này lại không theo cú pháp tiếng Việt như trong 5 câu thơ kia đối với chữ «thiền» (1993- màu thiền, 2043- tiểu thiền, 2061- cửa thiền, 3043- mùi thiền, 3044- màu thiền)?

Lại tham khảo thêm:

(1) Trương Vĩnh Ký (Kim Vân Kiều truyện, ed. Saigon, 1911), trang 136: thuyền trà. — Chén trà có dĩa đài làm cong cong.

(2) J.F.M. Génibrel (Dictionnaire Annamite-Français, ed. Tân Định, 1898), page 854: thuyền = (...) barque de thé, c'est-à-dire "théière"; cf. "thuyền trà rót nước hồng mai" (Kiều, câu 1991) = litt. la théière verse le thé de hồng mai (= bình trà rót nước hồng mai).

Xem lại mục từ “茶船” trong Quốc Ngữ Từ Điển 國語辭典 https://dict.revised.moe.edu.tw có định nghĩa như sau:

Dùng để đặt các dụng cụ pha trà như chén, muỗng... § Vì hình giống chiếc thuyền nên gọi tên là "trà thuyền" 茶船. ◇Thổ phong lục 土風錄: Phú quý gia trà bôi dụng thác tử viết trà thuyền 富貴家茶杯用托子曰茶船 (Quyển ngũ 卷五, Trà thuyền 茶船) Chén uống trà nhà giàu sang đặt lên cái khay (thác tử), gọi là “thuyền trà”.
http://vietnamtudien.org/hanvietv2/

Một bài học cho phương pháp đọc chữ Nôm

Đến đây, từ sự đi tìm lại cách đọc hai chữ Nôm “thuyền trà” 船茶 rất bình thường này, tôi chợt hiểu ra một điều đơn giản: Trương Vĩnh Ký, tác giả sách Kim Vân Kiều truyện (ed. Saigon, 1911), ít được biết tới, một cách tự nhiên, lại đọc đúng câu thơ chữ Nôm 1991. Có lẽ vì ông không bị vướng trong những thành kiến như những nhà nghiên cứu tăm tiếng nhất từ xưa: Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim, Tản Đà, Lê Văn Hòe, Đào Duy Anh, Nguyễn Tài Cẩn, v.v. 

J.F.M. Génibrel và những người biên soạn Dictionnaire Annamite-Français (ed. Tân Định, 1898), trong tinh thần ấy, cũng đọc đúng mấy chữ "thuyền trà rót nước hồng mai" (Kiều, câu 1991).

Anh Nguyễn Hữu Vinh, nhờ may mắn được sống lâu năm ở Đài Loan (Taiwan), thấm nhuần văn hóa bổn địa, đã nhận ra ngay cách đọc “thiếu tự nhiên” của rất nhiều nhà nghiên cứu Hán Nôm đi trước.

Kết luận

Ngày nay, lên Google gõ 2 chữ 茶船, người ta sẽ tìm thấy hàng trăm hình ảnh và bài viết về nghệ thuật uống trà của người Trung Quốc. 

 https://www.huitu.com/design/show/20221209/153846024200.html

Người đọc bây giờ có thể yên lòng thưởng thức 2 câu thơ đã dẫn ở trên:

1991. Thuyền trà gạn nước hồng mai,
1992. Thong dong nối gót thư trai cùng về.



Đặng Thế Kiệt
2024-04-12





 

Comments

Popular Posts