Truyện Kiều thời điện số


Truyện Kiều có 3.254 câu thơ 6 hoặc 8 chữ, tức là 22.778 chữ đơn cả thảy.


Hôm nọ vào trạm web "Giúp đọc Truyện Kiều

www.vanlangsj.org/TruyenKieu/  

xem trang index, không ngờ Nguyễn Du chỉ dùng 2.357 chữ khác nhau thôi.


Ôi, Tố Như tử "có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ đã nghìn đời" (*01) — hóa ra chẳng cần dùng chữ chi nhiều.


10 chữ có số lần dùng cao nhất: một, đã, người, nàng, lòng, lời, cũng, cho, là, rằng.


Dưới đây là kết quả chính xác:


một (322)
đã (267)
người (225)
nàng (199)
lòng (176)
lời (173)
cũng (171)
cho (170)
là (170)
rằng (160)


Chữ đơn đoạt giải quán quân, ấy là chữ "một", dùng 322 lần trong tập truyện thơ.


Có lạ lùng không.


9 chữ theo sau dùng từ 160 lần tới 267 lần.


Nói số gọn theo hàng chục cho dễ nhớ:


  • chữ "một" dùng khoảng 300 lần.
  • 9 chữ kia dùng mỗi chữ  vào khoảng từ 150 cho tới 250 lần.


Chỉ có 2.357 chữ Việt đơn ấy, mà:


1316. Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu.


Hồi xưa còn nhỏ, học Truyện Kiều năm đệ Tứ (lớp 9 bây giờ), sao mà ngán như ăn cơm nếp nát.


Đến năm đệ Nhị (lớp 11 bây giờ), thầy dạy môn Việt văn là thi sĩ Vũ Hoàng Chương.


Hai câu ca dao học được của thầy là:


Làm trai biết đánh tổ tôm,

Uống trà mạn hảo xem nôm Thúy Kiều.


Sau này, còn tìm được hai câu khác rất dễ thương:


Em ơi đừng khóc chị yêu,

Nín đi chị kể truyện Kiều em nghe.


Không nhớ từ năm nào tôi mới thực sự thấm Kiều?


Cuối năm 1968, được du học bên Pháp, Bộ Quốc Gia Giáo Dục tổ chức một buổi họp mặt khoảng mấy chục du học sinh sang Pháp. Có một ông cố vấn văn hóa thì phải, nói một lời khuyên cho mỗi một du học sinh, ~ mà tôi không bao giờ quên: hãy mang theo một lá cờ vàng ba sọc đỏ, một cuốn sách địa dư Việt Nam, một cuốn sách sử ký Việt Nam, một cuốn tự điển tiếng Việt và một cuốn Truyện Kiều.


Tôi nghe theo lời, trừ cuốn sách địa dư và cuốn sách lịch sử, tôi mang theo đủ cả: cuốn tự điển là cuốn Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931), cuốn Truyện Kiều là cuốn của Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim hiệu đính và chú giải.


Nhớ vào khoảng năm 1972, tôi quen một anh bạn trẻ hơn tôi hai ba tuổi. Một hôm ở trong phòng trọ của tôi trong cư xá sinh viên, anh ấy giở cuốn Truyện Kiều ra đọc bâng quơ, đến câu gì đó có chữ "mùi" liền thốt lên: "Mùi", "mùi"... chữ này bố tôi biết mà.


Anh ấy là người Việt đến từ Nouvelle-Calédonie. Giọng nói anh vẫn còn mang hơi hướm cổ, của những người Việt Nam xưa theo quân viễn chinh Pháp lưu lạc đến nơi này, và còn sống theo truyền thống Việt Nam thời đó.


Tôi liền tặng anh cuốn Truyện Kiều, gửi về cho cha anh ấy bên Nouvelle-Calédonie.


Hai câu thơ Kiều có chữ "mùi" kia chắc là đây:


0139. Tuyết in sắc ngựa câu giòn,

0140. Cỏ pha mùi áo nhuộm non da trời.


Mấy tháng nay, tôi bỗng nảy ra ý muốn làm lại toàn bộ một trạm web Chú giải Truyện Kiều, chữ quốc ngữ và chữ nôm đối chiếu, đọc được trên máy PC và smartphone, rất thông dụng ngày nay.


Có thể một trong những động lực sâu xa nhất, chính là kỷ niệm của tôi với anh bạn ở Nouvelle-Calédonie kia và những suy nghĩ của tôi về tuổi trẻ Việt Nam trên khắp miền thế giới.


Trong khi cặm cụi làm việc, tôi chợt nhận ra là mình như đang học lại tiếng Việt từ đầu.


Tôi tham khảo rất nhiều những sách chú giải, hiệu đính, bình luận của những học giả tiền bối: Lê Văn Hòe, Tản Đà, Đào Duy Anh, Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim, Bùi Khánh Diễn, Hồ Đắc Hàm, Trương Vĩnh Ký, v.v.


Và phát hiện ra một điều rất bất ngờ: là họ còn rất nhiều "vấn đề" đọc Truyện Kiều.


Về nhiều phương diện: chữ nôm, chữ quốc ngữ, từ ngữ điển tích (thường là trong dòng văn học chữ Hán), sự thiếu sót về dòng ngôn ngữ ngoài dòng ngôn ngữ chữ Hán, thuật ngữ Phật giáo, phương pháp chú giải Truyện Kiều dựa theo ngữ pháp (*02).


Điều đó tuy nhiên cũng dễ hiểu thôi: vì ngày xưa không có phương tiện tra cứu dễ dàng như bây giờ, thế thôi.


Chỉ cần một cái click, người ta tìm đến hàng triệu tài liệu tham khảo bằng đủ các ngôn ngữ.


Điều may mắn cho tôi là được một anh bạn trẻ chuyên gia điện toán Internet làm cho một ứng dụng tuyệt vời: không những cho xem những trang Truyện Kiều rất mỹ thuật và nhanh chóng. Anh ấy còn làm thêm những tiện ích (tools) tìm Chú giải, Tìm chữ (trong 3254 câu thơ Nguyễn Du), index (mục lục những chữ đơn trong Truyện Kiều), vân vân.


Đó là lý do tại sao tôi đặt tên mới cho trạm web này: Giúp đọc Truyện Kiều, thay vì Truyện Kiều Chú giải đã quá nhàm.


Tìm trên Internet, sao mà những trang viết về Truyện Kiều nhiều thế. Thiền sư, học giả học thật, chính trị gia đua nhau bàn luận tràng giang đại hải. Tôi nghe nói có cả một cuộc hội thảo về đề tài Chính trị và Truyện Kiều.


Trời ạ, ông Hồ Chí Minh đã biết trước điều này hơn ai hết, nghe người ta nói ông ấy làm ít nhất 45 câu lẩy Kiều.


Trở lại đề tài bài viết này: Truyện Kiều thời điện số (ère numérique), chợt nhớ hôm nọ tìm tranh minh họa cho mấy đoạn Kiều gảy đàn, gặp một bức vẽ bằng bút chì của nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn (1940-2002) minh họa đoạn Kiều gảy đàn cho Hồ (Tôn Hiến).


tranh Lê Thành Nhơn (1940-2002)
Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay



Cũng là một trùng hợp lạ thường:


2569. Một cung gió tủi mưa sầu,

2570. Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay.


4 dây, 5 đầu ngón tay.


1945: có phải là những con số định mệnh cho dân tộc Việt Nam.


Mới hôm qua là ngày 30 tháng Tư 2021.


Đã (2021-1975 = 46) năm rồi.


2571. Ve ngâm vượn hót nào tày,

2572. Lọt tai Hồ cũng nhăn mày rơi châu.


Vụt nhớ tới một trang blog viết về "Bạc bà và Bạc Hạnh" (*03) nhân đọc lời bình của "bác" Tản Đà (1889-1939) về nhân vật Bạc Hạnh trong Truyện Kiều, rất hợp tình hợp cảnh với câu thơ 2572 vừa dẫn.





Chú thích


(*01) Mộng Liên Đường:

https://xem-nom-thuy-kieu.blogspot.com/2022/11/mong-lien-uong.html#more

(*02) Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê: https://xem-nom-thuy-kieu.blogspot.com/2020/10/truong-van-chinh-va-nguyen-hien-le.html

(*03) Bạc bà, Bạc Hạnh: https://xem-nom-thuy-kieu.blogspot.com/2021/03/bac-ba-bac-hanh.html




 

Comments

  1. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete

Post a Comment

Popular Posts