Thuật ngữ Phật giáo trong Truyện Kiều

 

Trong sách "Truyện Thúy Kiều, Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo" (*01), Trần Trọng Kim có viết một bài nhan đề là "Lý thuyết Phật học trong Truyện Kiều". 

Từ đó đến nay, có rất nhiều biên khảo về đề tài này, đặc biệt phải kể đến công trình của Bùi Giáng (1926-1998) (*02).

Tuy nhiên, đọc suốt nhiều sách chú giải Truyện Kiều, — từ Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim, Lê Văn Hòe, Đào Duy Anh, Bùi Khánh Diễn, Tản Đà... cho đến Đàm Duy Tạo gần đây —, người ta nhận thấy, những chú giải về thuật ngữ Phật giáo có phần vẫn còn sơ lược.


https://hitopedia.net/釈迦/


Dưới đây là một số chú giải những thuật ngữ Phật giáo có trong website ::Truyện Kiều:: Nguyễn Du (*03), đa số dựa theo "Phật Quang Đại Từ Điển" (Sa môn Thích Quảng Độ dịch) (*04).


(0201) kiếp: (nghĩa thông thường) quãng đời, một đoạn đời, suốt một đời (trong nhiều đời theo thuyết luân hồi). Tham khảo thêm: Vốn là đơn vị thời gian rất dài của Bà La Môn giáo ở Ấn Độ đời xưa, về sau Phật giáo dùng theo và coi đó là thời gian không thể tính toán được bằng năm tháng. (Thuật ngữ Phật giáo) kiếp 劫: (Phạm: kalpa; Pāli: kappa) quan niệm về thời gian của Phật giáo lấy Kiếp làm cơ sở để thuyết minh quá trình hình thành và hủy diệt của thế giới (Phật Quang Đại Từ Điển 佛光大辭典).

(0201) quả kiếp nhân duyên: quả báo duyên nghiệp. Dục tri tiền thế nhân, kim sinh thụ giả thị. Nhược vấn hậu thế quả, kim sinh tác giả thị 欲知前世因, 今生受者是. 若問後世果, 今生作者是 (Phật thuyết tam thế nhân quả kinh 佛說三世因果經) Muốn biết về nhân duyên kiếp trước, thì hãy xem đời này hưởng thụ ra sao. Muốn hỏi về quả báo kiếp sau, thì hay xem đời này ăn ở ra sao.

(0578) đầu trâu mặt ngựa: chỉ bọn người hung ác; ở đây chỉ bọn sai nha đến nhà Vương viên ngoại bắt bớ hành hung. Do chữ "ngưu đầu mã diện" 牛頭馬面. (1) Ngưu Đầu 牛頭 (tiếng Phạm: Gośīrṣa) là tên của một ngục tốt ở địa ngục, tức A Bàng La Sát 阿傍羅剎. Theo kinh Ngũ Khổ Chương Cú, thì hình tượng của A Bàng là đầu trâu tay người, hai chân có móng trâu, sức mạnh có thể dời núi, tay cầm xoa sắt, mỗi xoa có ba mũi nhọn, có thể xiên vài trăm vạn người có tội ném vào trong vạc dầu. (2) Mã Diện 馬面 (tiếng Phạm: Aśvaśīrṣa) là một quỷ sứ ở địa ngục. Theo kinh Lăng Nghiêm 楞嚴: Ngục tốt Ngưu Đầu, Mã Đầu La Sát, tay cầm thương mâu, xâm nhập vào thành, đi tới Địa ngục Vô Gián. Chiều rộng của địa ngục này là 84.000 do tuần, thân hình của các chúng sinh chịu khổ trong địa ngục này cũng cao 84.000 do tuần, bởi thế thân hình chúng sinh đầy ắp khoảng không gian của địa ngục, không xen kẽ, không cách hở, cho nên gọi là Thân hình vô gián địa ngục 身形無間地獄 (Phật Quang Đại Từ Điển 佛光大辭典).

(1920) tam quy: 三皈 (thuật ngữ Phật giáo) tức là quy y Tam bảo 三寶, gồm quy y Phật 皈依佛, quy y Pháp 皈依法, quy y Tăng 皈依僧. Nghĩa là quay về nương tựa Phật, Pháp, Tăng và xin được cứu giúp, che chở để mãi mãi thoát khỏi tất cả khổ não của thân tâm (Phật Quang Đại Từ Điển 佛光大辭典).

(1920) ngũ giới: 五戒 (thuật ngữ Phật giáo) năm điều ngăn cấm: sát sinh (sát 殺), trộm cắp (đạo 盜), tà dâm (dâm 滛), nói xằng (vọng 妄), uống rượu (tửu 酒).

(1921) cà sa: 袈裟 (tiếng Phạm: kasaya) áo mặc của người xuất gia. Giới luật Phật giáo quy định: Người xuất gia không được dùng năm chính sắc (đỏ, vàng, xanh, trắng, đen), may áo bằng nhiều mảnh vải đủ màu sắc ghép lại.

(1922) pháp danh: 法名 tên trong Phật pháp, (...) khác với tên người thế tục (tục danh). Người được trao cho Pháp danh trong Phật giáo chứng tỏ rằng người ấy đã là đệ tử xuất gia hoặc tại gia của đức Phật, sống theo nếp sống đạo hạnh, đúng với lời dạy của đức Phật (Phật Quang Đại Từ Điển 佛光大辭典).

(1927) nhân duyên: 因緣 (thuật ngữ Phật giáo) "nhân" 因 là nguyên nhân bên trong trực tiếp sinh ra kết quả; "duyên" 緣 chỉ cho nguyên nhân gián tiếp giúp đỡ bên ngoài. Hết thảy vạn hữu đều do nhân duyên hòa hợp mà giả sinh, không có tự tính, đó chính là lí "nhân duyên tức không" 因緣即空 (Phật Quang Đại Từ Điển 佛光大辭典). Ghi chú: cả câu 1927 có thể hiểu theo nghĩa thông thường như sau: Kiều hết còn hy vọng hàn gắn lại duyên vợ chồng với Thúc sinh nữa.

(1932) trần duyên: 塵緣 tức 6 trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Vì 6 trần là những chỗ mà tâm duyên theo, thường làm ô nhiễm tâm tính, nên gọi là "trần duyên" (Phật Quang Đại Từ Điển 佛光大辭典).

(2045) bản sư: 本師 tức là vị thầy chính, thầy căn bản, bậc đạo sư. Thông thường dùng để xưng hô đức Thích Ca Như Lai. Đồng nghĩa với các danh từ giáo chủ, bản chủ, bản Phật. Ngoài ra, các đệ tử tôn xưng thầy mình, cũng gọi là bản sư (Phật Quang Đại Từ Điển 佛光大辭典).

(2046) pháp bảo: 法寶 những đồ thờ Phật như chuông vàng khánh bạc ở nhà chùa.

(2046) sư huynh: 師兄 từ gọi chung những người xuất gia thụ giới trước mình (Phật Quang Đại Từ Điển 佛光大辭典).

(2057) lá bối: bối đa la diệp 貝多羅葉 (tiếng Phạm: pattra), gọi tắt là bối đa 貝多, bối diệp 羅葉; loại lá cây dùng để viết tư liệu hoặc văn kinh (Phật Quang Đại Từ Điển 佛光大辭典).

(2064) đàn việt: 檀越. (1) Người làm việc bố thí, thường chỉ người có công quả với nhà chùa. (2) (Thuật ngữ Phật giáo) Đàn 檀 nghĩa là bố thí, cấp cho, thí bỏ; người làm việc bố thí sẽ vượt qua biển nghèo cùng nên gọi là "đàn việt". Còn gọi là "đàn na" 檀那 (tiếng Phạm: dāna); sinh tâm xả bỏ có thể diệt trừ được tính bỏn sẻn tham lam, đó là "đàn na" (Phật Quang Đại Từ Điển 佛光大辭典).

(2064) cửa già: già lam 伽藍 (tiếng Phạm: saṃghārāma) nghĩa là vườn của chúng tăng ở, nhưng thường gọi là chùa viện (Phật Quang Đại Từ Điển 佛光大辭典).

(2405) hành cước: 行腳 đi khắp nơi để cầu học hoặc giáo hóa; cũng gọi là du phương 遊方, du hành 遊行; đồng nghĩa với vân thủy 雲水 (Phật Quang Đại Từ Điển 佛光大辭典).

(2406) tiên tri: 先知 (1) nhận biết sự việc trước mọi người; (2) người có tri giác trí tuệ cao so với những người bình thường; (3) về tông giáo, chỉ người có khả năng truyền bá thần ý để cảnh giác người đời hoặc người báo trước sự việc vị lai. Ghi chú: sư Tam Hợp là một "tiên tri" (theo nghĩa thứ ba).

(2412) cơ duyên: 機緣 cơ, căn cơ; duyên, nhân duyên. Căn cơ của chúng sinh có đủ nhân duyên để tiếp nhận sự giáo hóa của Phật và Bồ tát, gọi là "cơ duyên". Việc nói pháp giáo hóa đều lấy cơ căn chín mùi làm duyên mà phát khởi (Phật Quang Đại Từ Điển 佛光大辭典).

(2491) công đức: 功德 (1) công nghiệp và đức hạnh; (2) Thuật ngữ Phật giáo: Công đức, công có nghĩa là công năng, có cái công giúp cho điều phúc lợi, cho nên gọi là công; công ấy khiến làm được những việc tốt lành có đức, gọi là công đức (Phật Quang Đại Từ Điển 佛光大辭典).

(2650) vân du: 雲遊 đi chơi như mây. Chỉ cho hành giả đến các nơi tham học, hành cước, giống như áng mây trôi theo gió, không dừng lại ở một nơi nào nhất định (Phật Quang Đại Từ Điển 佛光大辭典).

(2660) vô duyên: 無緣 (theo nghĩa thông thường) không có duyên số tốt. Ghi chú: (Thuật ngữ Phật giáo) tham khảo "vô duyên" 無緣 Phật Quang Đại Từ Điển 佛光大辭典.

(2665) ma dẫn lối quỷ đưa đường: ma quỷ dẫn đường. (Thuật ngữ Phật giáo) ác ma 惡魔 (Phạm: māra) Chỉ loại ác thần, ác quỷ hay phá hoại tâm chí cầu đạo, ngăn trở việc thiện và phá hoại thân mệnh của mình và người (Phật Quang Đại Từ Điển 佛光大辭典).

(2680) nghiệp duyên: 業緣 nghiệp là nguyên nhân sinh ra quả báo, 1 trong 24 duyên. Nghiệp thiện là nhân duyên đem lại quả vui, nghiệp ác là nhân duyên dẫn đến quả khổ. Hết thảy chúng sinh hữu tình đều do nghiệp duyên mà sinh ra. Phẩm Phương tiện kinh Duy Ma (Đại 14, 539 trung) nói: “Thân này như cái bóng, từ nghiệp duyên mà hiện.” Phẩm Tựa kinh Pháp Hoa quyển 1 (Đại 9, 2 hạ) nói: “Chỗ sinh tử hướng tới, tùy nghiệp duyên thiện ác.” (Phật Quang Đại Từ Điển 佛光大辭典).

(2681) tội nghiệp: 罪業 hành vi xấu ác trái với đạo lí, xúc phạm giới cấm chuốc lấy quả báo khổ đau, gọi là "tội". Cũng có khi gọi phiền não là tội, nhưng đại để thì ác hạnh ("nghiệp") do thân thể, ngôn ngữ, ý chí (tức thân, khẩu, ý) tạo ra, gọi là "tội nghiệp". Tội là hành vi xấu ác nên gọi là "tội ác"; vì nó có công năng làm trở ngại Thánh đạo, cho nên gọi là "tội chướng"; lại vì nó là hành vi ô uế nên gọi là "tội cấu". Lại do hành vi tội ác thường dẫn đến khổ báo, cho nên cũng gọi là "tội báo". Lại nữa, vì hành vi ấy là căn bản đưa đến tội báo, cho nên cũng gọi là "tội căn" (Phật Quang Đại Từ Điển 佛光大辭典).

(2682) tình ái: 情愛, gọi tóm lại là "ái" 愛 (Phạm: tṛṣṇā, toṣayati, priya) là dịch ý của chữ piya trong Pāli. Còn gọi là Ái chi. Là một trong mười hai nhân duyên. Ý là tham luyến chấp trước tất cả sự vật. Trước nay, Cơ Đốc giáo được xem là tôn giáo bác ái, trong Phật giáo thì lấy “từ bi” làm trung tâm mà không trực tiếp nói đến chữ “ái”. Trong kinh điển Tăng Chi Bộ, đức Phật thường dạy về chữ ái, bảo: “Yêu có thể sinh yêu, mà cũng có thể sinh ghét; ghét có thể sinh yêu, cũng có thể sinh ghét.” Cho nên, Phật giáo nói yêu, nói ghét, cũng giống như lòng bàn tay và mu bàn tay, là hai mặt của một thể, thương yêu càng sâu thì oán ghét có thể càng lớn (Phật Quang Đại Từ Điển 佛光大辭典).

(2682) tà dâm: 邪淫 (Phạm: kāma-mithyācāra; Pāli: kāmesu micchācāra) Cũng gọi Dục tà hạnh. Hành vi dâm dục bất chính, 1 trong 10 điều ác. Chỉ cho việc hành dâm với những người không phải là vợ hay chồng mình, hoặc vợ chồng hành dâm mà không đúng lúc, đúng chỗ, cũng là tà dâm. Theo kinh Bô Lợi Đa trong Trung A Hàm quyển 50, kẻ tà dâm nhất định phải chịu ác báo ở đời này và đời sau (Phật Quang Đại Từ Điển 佛光大辭典).

(2888) túc khiên: 夙愆 lỗi lầm từ trước, tội kiếp trước.



DTK

(2021-03-16)


Chú thích

(*01) Nhà Tân Việt xuất bản, Sài Gòn, Tháng Giêng năm 1950.

(*02) https://vanhocsaigon.com/bui-giang-doc-kieu/

(*03) http://vietnamtudien.org/vanhoc/tksmart.php

(*04) Quê Mẹ & Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế, 2012.











Comments

Popular Posts