đầu tường lửa lựu

tác giả: Thi Vũ (1935-2023)



(...) mới đọc một lượt hai tập Mê Hồn CaĐường vào tình sử. Đọc xong, trời đã rạng đông. Bước xuống vườn khi căn nhà còn ngủ. Hồ tắm màu ngọc bích, nhẩn trên lóng tay rừng một niềm chờ xanh, một nỗi nhớ ánh ỏi. Có con chim màu vàng vụt bay hút trên rặng sồi. Bất giác hai câu thơ Đinh Hùng rụng xuống lòng tôi:

Ý chiều ngây ngất màu hoàng cúc, (...)
Lửa hạ lên rồi — ô ý liên!

(trích Liên tưởng, "Đường vào tình sử", tr. 46)

Đây là những câu thơ đẹp trong những câu thơ đẹp nhất Việt Nam.

Bây giờ là sáng. Có chiều đâu. Tuy nắng màu hoàng cúc. Màu nắng muôn đời vẫn thế, dù mặt trời lên hay mặt trời xuống. Duy cảm giác người, tươi vui hay tiếc nuối, có khác đi.

Ý chiều trong thơ Đinh Hùng ngây ngất với màu hoàng cúc. Ngây ngất là sống với, lắng vào, điếng xuống mạch đời. Già cỗi đến, khi ta hết ngây ngất cùng đời. Từ sự ngây ngất, những ý nghĩa chớm ra theo mấy chặng mùa chuyển động. Chiều chỉ là niềm chiều quạnh hiu vạn đại, khi chiều chưa ngậm ý, để thành ý chiều. Phải là ý chiều thì mới biết ngây ngất.

Kể cũng lạ, thi ca ta rất sính thu, ít nói tới mùa hạ. Biết bao người, ngồi làm thơ giữa mùa đông, mùa xuân, mùa hè, nhưng vẫn hạ bút ca tụng thu. Họ đánh quên một mùa hạ xôn xao, vừa động tình, vừa nhớ nhung da diết. Mùa của hàng triệu trái tim học trò — giới thân cận thơ.

Kẻ nào xém lửa vì cô đơn, vì bất hạnh, mất tình, hay cơ cực như Đinh Hùng, mới thấy được ngọn lửa thiêng của cơn mùa nồng cháy: Lửa hạ lên rồi!

Không phải ngọn lửa thanh nhàn của (*01) "đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông". Lửa ở đây đã được nhân sinh mớm ý, nhen sưởi hành tinh lạnh: ô ý liên!

Không phải ngọn lửa thiêu rụi như chiến tranh, hay nung chảy hồn ăn năn nơi lửa luyện ngục. Lửa ở đây nhóm trên đầu nụ sống. Hãy nhìn kia, trùng trùng những búp sen hồng, sen trắng. Kẻ thấy, người thi sĩ, chỉ kịp thốt lên một tiếng ô kinh ngạc, mừng rỡ, tụng ca. Như tụng ca giải thoát: Lửa hạ lên rồi — ô ý liên!

Thứ Lửa đã hợp đồng với Nước. Lửa và nước sánh nhau bốc bùng qua những hớp hương gieo. Vào lúc nắng hè thảng thốt tìm những lá sen nia ngã lưng ngủ giấc.

Ta hãy đọc trọn bài thơ Liên tưởng kỳ diệu này:


Ý chiều ngây ngất màu hoàng cúc,
Sao mắt Thu buồn dáng Hạ xa
Ta nhớ mà thương người xử nữ,
Áo mùa thu đọng sắc kiều hoa.

Nước cũ rưng rưng màu ngọc trắng,
Mây ngày xưa tỏ, nguyệt xưa trong.
Người xưa lẫn dáng tình sương tuyết
Riêng cặp môi kia ánh nét hồng.

Ta nhớ trăng hoa ngày hạ trước,
Nhớ hồn thảo mộc lẫn mùi hương.
Nhớ màu 
xiêm áo người thay đổi,
Những cánh hồng chen với cánh sương.

Người đẹp ngày xưa tên giống hoa,
Mùa xuân cây cỏ 
biếc quanh nhà.
Thùy hương phảng phất sen đầu hạ,
Lén bước 
trang đài tới gặp ta.

Yểu điệu phương Đông lướt dưới đèn.
Ta nằm mộng đẹp đêm thần tiên.
Dáng xuân nghiêng mặt cười không tiếng,
Lửa hạ lên rồi — ô ý liên!

Đinh Hùng (1920-1967)

(toàn bài Liên tưởng, "Đường vào tình sử")


Sen, sen ơi! hãy hủy đốt mảnh hồn ta bùn đọng cho thành búp. Sen của Liên hay Liên của sen? Tên người chết yểu nơi mối tình đầu không đổi của Đinh Hùng? Hay chỉ là ngọn lửa của Đất? Là đóa sen kia đang thắp dậy mùa hè trên rặng nắng hong chín tuổi yêu đương học trò? Có tình yêu nào không lớn theo niềm ly biệt? Càng lớn lên với mối dở dang không thành. Phải không những kẻ đã có lần yêu đương?

Ba mùa cùng họp trong một bài thơ: Hạ, Thu, Xuân. Riêng Đông, thi nhân lãnh nhiệm vụ hủy phá bằng trái mìn nổ chậm của tấm lòng băng giá.

Ba mùa này không chảy theo thời gian. Mùa là không gian của dáng vóc người tình. Mùa thu là mắt. Mùa hạ là vóc thân. Mùa xuân là cái tâm ngoài, rộn nhịp cây cỏ và hương hoa. Sương tuyết là nỗi thờ ơ của nhân thế và cảnh vật, bối cảnh cho chân em dội thầm len lén tới lúc nửa khuya. Vài khi sương rời tuyết, chắp thành cánh tay em thơm mùi thảo mộc. Vì sương không vô tri như móc rơi. Sương là trạng thái chuyển vận từ hơi sang nước. Từ mối tình thoảng sang nỗi đắm đuối của thịt da tình ái. Và em. Người tình. Là một yểu điệu phương Đông, huyền rực tóc tơ. Là một dáng xuân nghiêng mặt. Là ngọn lửa linh thiêng mùa hạ. Là búp sen Liên tưởng của (*05) "dẫu lìa ngó ý còn vương tơ" đất trời.


Thi Vũ

(trích Bốn Mươi Năm Thơ Việt Nam 1945-1985, trang 6-9)


*§*


Trong Truyện Kiều có một câu thơ rất gần với bài thơ này của Đinh Hùng (1920-1967):

0256. Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình.

Xem chú giải:

(0256) hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình: (lược ngữ) Kim Trọng một mình uống trà thơm và tơ tưởng tới nàng Kiều. Cũng mấy chữ đó: hương, mùi, nhớ... Đinh Hùng (1920-1967) đã viết ra một câu thơ đẹp: Nhớ hồn thảo mộc lẫn mùi hương (Đường vào tình sử, Liên tưởng). Hai chữ "thảo mộc" ở đây ám chỉ hoa sen, cũng là tên người "Liên" 蓮 trong nhan đề bài thơ của Đinh Hùng. Biết đâu Kim Trọng cũng uống trà sen.


Đặng Thế Kiệt
2021/02/24



Chú thích


Xem những câu trích dẫn ::Truyện Kiều:: Nguyễn Du, trong đó có những chữ dùng trong bài viết ở đây:


(*01) 1308. Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông

(*02) 0373. Tưng bừng sắm sửa áo xiêm

(*03) 0917. Rừng thu từng biếc chen hồng

(*04) 0536. Băng mình lẻn trước đài trang tự tình

(*05) 2241. Tiếc thay chút nghĩa cũ càng, Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng

(*06) 1316Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu


Tham khảo

http://vietnamtudien.org/TruyenKieu/







Comments

Popular Posts