thuyền trà gạn nước hồng mai

 
1991. Thuyền trà gạn nước hồng mai,
1992. Thong dong nối gót thư trai cùng về.

Đây là 2 câu thơ cuối trong đoạn tả Hoạn thư ở Quan Âm Các, đang chuẩn bị về nhà riêng cùng chồng là Thúc sinh.

Nhưng có 2 chữ rất lạ, «thuyền trà» 船茶, không hiểu nghĩa là gì.

Tìm trong các sách truyện Kiều xem sao. Thì nhất loạt, các nhà chú giải — từ Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim, Tản Đà… đến Lê Văn Hòe, Đào Duy Anh —, đều ghi âm đọc câu thơ 1991 là:

1991. Thiền trà cạn/rót nước hồng mai

Bản nôm Lâm Nọa Phu 1872, Nguyễn Quảng Tuân ghi âm đọc là «thuyền trà».

Các bản nôm Tăng Hữu Ứng 1874, Chu Mạnh Trinh 1906  còn khắc rõ ràng là: thiền trà 禪茶.

Trong Truyện Kiều còn có 5 câu khác dùng chữ «thiền» này:

1933 Sồng nâu từ trở màu thiền
2043 Tiểu thiền quê ở Bắc Kinh
2061 Cửa thiền vừa cữ cuối xuân
3043 Mùi thiền đã bén muối dưa
3044 Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng

Nhưng tất cả những sách này đều giải thích «thiền/thuyền» nghĩa là «chùa» hay theo nghĩa rộng là những gì liên quan về nhà chùa hoặc việc tu tập theo Phật giáo.

Xin ghi lại dưới đây một cách chính xác hơn nữa ý nghĩa của chữ «thiền» này:
Phạm: dhyāna. Pāli: jhāna. Cũng gọi Thiền na, Đà diễn na, Trì a na. Hán dịch: Tĩnh lự, Tư duy tu tập, Khí ác, Công đức tùng lâm. Chỉ cho trạng thái định tuệ đồng đều, tâm chuyên chú vào 1 đối tượng nào đó, rất vắng lặng để tư duy một cách sâu sắc, rõ ràng. (Phật Quang Đại Từ Điển 佛光大辭典, Thích Quảng Độ dịch)

Do đó, ban đầu chúng tôi chọn ghi câu thơ 1991 theo tuyệt đại đa số các bản Truyện Kiều phổ biến xưa nay. Và ghi chú giải như sau: thiền trà = trà pha ở nhà chùa (ở đây là Quan Âm Các).

Tuy nhiên, vẫn còn chút áy náy, vì 2 lý do:
a) tại sao trong bản nôm Liễu Văn Đường 1866, dùng làm bản nôm chính trong ứng dụng http://vietnamtudien.org/TruyenKieu/ chỉ có câu 1991 dùng chữ  (thuyền) thay cho chữ (thiền) như trong 5 câu kia (1933, 2043, 2061, 3043, 3044)?
b) tại sao trong câu thơ 1991 này lại không theo cú pháp tiếng Việt như trong 5 câu thơ kia với chữ «thiền» (1993- màu thiền, 2043- tiểu thiền, 2061- cửa thiền, 3043- mùi thiền, 3044- màu thiền)?

Anh Nguyễn Hữu Vinh (Taiwan) duyệt đọc toàn bộ văn bản Truyện Kiều trong ứng dụng này đã phát hiện ngay từ đầu 2 chữ «thuyền trà» 船茶 (câu 1991) chỉ có một nghĩa rất giản dị tự nhiên đối với người Tàu.

Anh đưa ra lời chú giải như sau:

thuyền trà: 船茶

(1991) thuyền trà: 船茶 chỉ cái khay — có hình như chiếc thuyền —, đựng bộ đồ pha trà như bình trà, dĩa, tách, chén, muỗng..., trên mặt khay có nhiều lỗ nhỏ để nước trà uống dư chảy xuống dưới khay. 2 câu thơ 1991-1992 có nghĩa là: sau tuần trà, khi nước trà pha trong chén đã hơi lâu chuyển sang màu đỏ sậm (như màu của trái hồng mai), được gạn lọc xác trà lại và đổ nước xuống khay, thì vợ chồng Thúc sinh ra về.

Cũng có thể tham khảo thêm:

(1) Trương Vĩnh Ký (Kim Vân Kiều truyện, ed. Saigon, 1911), trang 136: thuyền trà. — Chén trà có dĩa đài làm cong cong.
(2) J.F.M. Génibrel (Dictionnaire Annamite-Français, ed. Tân Định, 1898), page 854: thuyền = (...) barque de thé, c'est-à-dire "théière"; cf. "thuyền trà rót nước hồng mai" (Kiều, câu 1991) = litt. la théière verse le thé de hồng mai (= bình trà rót nước hồng mai).

Như vậy, người đọc bây giờ có thể yên lòng thưởng thức 2 câu thơ đã dẫn ở trên:

1991. Thuyền trà gạn nước hồng mai,
1992. Thong dong nối gót thư trai cùng về.

2 câu thơ rất nhẹ nhàng uyển chuyển, vẽ ra cảnh vợ chồng thong thả đưa nhau về nhà. Thật là hạnh phúc êm đềm…

Nhưng đó chỉ là một màn diễn xuất tài tình của Hoạn thư mà thôi. 
2 câu thơ 1991-1992 cực tả bản lãnh cao cường của Hoạn thư. Chính nàng đã sắp đặt mọi sự để bắt quả tang Thúc sinh lén lút gặp Kiều, vậy mà ngoài mặt vẫn tươi cười, thong dong theo chân chồng về nhà, như không có chuyện gì xảy ra.

Nó nằm trong chương trình trả thù ghen ghê gớm của Hoạn thư đối với Thúc sinh chồng mình, và đối với «tình địch» là Vương Thúy Kiều:

1549. Làm cho nhìn chẳng được nhau,
1550. Làm cho đày đọa cất đầu chẳng lên.
1551. Làm cho trông thấy nhãn tiền,
1552. Cho người thăm ván bán thuyền biết tay.

Xin đọc lại đoạn trước câu 1991:

1981. Nhịn ngừng nuốt tủi đứng ra,
1982. Tiểu thư đâu đã tránh hoa bước vào.
1983. Cười cười nói nói ngọt ngào,
1984. Hỏi chàng mới ở chốn nào lại chơi?
1985. Dối quanh sinh mới liệu lời:
1986. Tìm hoa quá bước xem người viết kinh.
1987. Khen rằng: Bút pháp đã tinh,
1988. So vào với thiếp Lan Đình nào thua.
1989. Tiếc thay lưu lạc giang hồ,
1990. Nghìn vàng thật cũng nên mua lấy tài.

và đoạn theo sau câu 1992:

1993. Nàng càng e lệ ủ ê,
1994. Rỉ tai hỏi lại hoa tì trước sau.
1995. Hoa rằng: Bà đến bấy lâu,
1996. Dón chân đứng nấp độ đâu nửa giờ.
1997. Rành rành kẽ tóc chân tơ,
1998. Mấy lời nghe hết đã dư tỏ tường.
1999. Bao nhiêu đoạn khổ tình thương,
2000. Nỗi ông vật vã nỗi nàng thở than.
2001. Ngăn tôi đứng lại một bên,
2002. Chán tai rồi mới bước lên trên lầu.
2003. Nghe thôi kinh hãi xiết đâu:
2004. Đàn bà thể ấy thấy âu một người.

Thảo nào, ngay sau đó Kiều đã quyết định tìm cách trốn thoát khỏi nơi giam lỏng này, tức là Quan Âm Các của nhà họ Hoạn:

2027. Cất mình qua ngọn tường hoa,
2028. Lần đường theo bóng trăng tà về tây.


Đặng Thế Kiệt
2022-02-07

Ghi chú:
Trả lời chung cho một số phản hồi trang blog này.

Chỉ mới một hôm sau khi trang blog đăng lên Internet đã có khoảng 10 phản hồi về chú giải 2 chữ "thuyền trà" trong câu thơ 1991.

Nói chung, có:
# 20% chấp nhận cách giải thích "mới" cho 2 chữ này;
# 60% đọc rồi nhưng còn ngờ;
# 20% phản đối.

Xin cảm tạ các bạn đọc xa gần đã tham gia thảo luận.

Dưới đây, Nguyễn Hữu Vinh xin trả lời chung cho các bạn đọc:

Thuyền trà, chữ Hán là 茶船, theo văn phạm Việt chữ nôm thì viết là 船茶. (...) Lên Google gõ: 茶船是什麼 thì sẽ thấy nó là những khay trà, xưa người ta dùng các thứ như hình chiếc thuyền, nay thì đủ loại.



(...) Chỉ cần nhìn lại tại sao không viết là "trà thuyền/thiền" theo văn phạm Việt như "màu thiền", "cửa thiền", "mùi thiền"... thì cũng đã thấy có cái gì khác rồi.

Vì nếu chấp nhận "thuyền" là "thiền" thì mới có được một cách giải thích tạm gọi là hợp lý cho câu thơ này.

Theo tôi thì xưa các vị diễn dịch truyện Kiều, có lẽ không biết 茶船 trong cuộc sống đời thường của dân Tàu nên tìm một cách giải thích sự liên hệ giữa âm đọc "thuyền" và "thiền" mà thôi.


Nguyễn Hữu Vinh

2022-02-09



phụ lục

Cà phê buổi sáng thơ Kiều,
Cô nàng họ Hoạn cũng nhiều éo le.
Hà Đông Công Tử (*01) cò ke,
Nằm trong ngục tối thương về Thúc sinh.
Kiều nhi ân oán phân minh,
Buông tay tha bổng cô mình Hoạn thư.
Tiền Đường gieo ngọc trầm chu,
Anh hùng chết đứng đền bù hồn oan.
Nhà nho xưa lắm lời bàn,
Người nay lòng bỗng bàng hoàng Tố Như.

DTK
Montparnasse, 2022-02-08

(*01) Công Tử Hà Đông, tức Hoàng Hải Thủy (1933-2020), tác giả: "Tại ngục vịnh Kiềuhttps://xem-nom-thuy-kieu.blogspot.com/2020/11/hoang-hai-thuy-vinh-kieu-tai-nguc.html

tham khảo
http://vietnamtudien.org/TruyenKieu/



Comments

Popular Posts