liên hệ mật thiết giữa «tưởng» trong Phật giáo và «tưởng» trong thi nghiệp của Nguyễn Du

tác giả: Phạm Công Thiện (1941-2011)


Tại sao chúng ta lại nói về Phật giáo đang lúc đề cập cái «tưởng» của Kim Trọng?

Để cho chúng ta thấy rằng mỗi lúc chúng ta bước vào trong thế giới của ngôn ngữ thi ca Nguyễn Du thì chúng ta phải bước đi thật chậm rãi, tỉnh thức, bén nhạy, sử dụng tất cả những đường lối ngược xuôi của cảm thức và tư tưởng để soi chiếu từng nét chữ chính yếu của nhà đại thi hào dân tộc.

Càng đọc đi đọc lại Nguyễn Du thì càng thấy bao nhiêu chân trời đạo lý Đông phương và đạo lý dân tộc mà Nguyễn Du đã «tạc đá ghi vàng» trong từng chữ một của truyện Kiều và những thi phẩm khác của người.

Chữ tưởng của Nguyễn Du trong mấy câu thơ quan trọng như «tưởng bây giờ là bao giờ, rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao» hay «bởi lòng tạc đá ghi vàng, tưởng nàng nên lại thấy nàng về đây» không thể nào hiểu một cách phiến diện như thường lệ, vì cái tưởng ấy đánh thức bao nhiêu ý nghĩa lãng đãng vừa thơ mộng vừa chứa đựng nội dung phong phú đa diện của cả một «rừng sâu» (*dtk 01) ẩn hiện trong không khí uyên mặc ở toàn thể sự nghiệp thi ca của Nguyễn Du.

Trong tư tưởng Phật giáo, chữ tưởng không những có nghĩa rằng cái thấy khởi phát từ bên trong lòng và khiến cho chúng ta có được cái thấy bên ngoài: «Kẻ nào tri tưởng những hình sắc bên trong lòng mình thì nhìn thấy hình sắc hiện ra bên ngoài» (Kinh Digha Nikaya, II, 110: «Ajahattam rupa sanni eko bahiddha rupani passati»); điều này có thể giải thích cho chúng ta hiểu câu «bởi lòng tạc đá ghi vàng…».

Cái tưởng trong Phật giáo vừa có cái nghĩa tưởng khiến cho ta nhìn thấy (như ý nghĩa trong câu thơ của Nguyễn Du: «tưởng nàng nên lại thấy…») mà vừa có nghĩa cái tưởng về sắc (rupa-sanna), cái tưởng về âm thanh (sadda-sanna), cái tưởng về mùi, cái tưởng về hương (gandha-sanna) như «hương gây mùi nhớ» của truyện Kiều, cái tưởng về vị (rasa-sanna), cái tưởng về sự xúc chạm, đụng, rờ, mó (photthabba-sanna) và tất cả những cái tưởng về pháp (dhamma-sanna), tức là tất cả những cái tưởng của tâm thức tinh thần, cái tưởng thuộc phạm vi chuyển vận trước sau xuôi ngược của ý thức, tiềm thức và vô thức của con người.

Nguyễn Du đã được nuôi dưỡng cả đời trong giáo lý Phật giáo (hiển nhiên là Nguyễn Du rất uyên thâm về Kinh Dịch, Lão Trang và Nho giáo, nhưng giáo lý Phật giáo đã ảnh hưởng sâu đậm mãnh liệt nhất đối với nhà đại thi hào dân tộc). Một người như Nguyễn Du đã tự nhận rằng mình đã tụng đọc Kinh Kim Cang Bát Nhã đến trên cả ngàn lần («ngã độc Kim Cương thiên biến linh» (*dtk 02)) thì người ấy không thể nào sử dụng chữ «tưởng» một cách cẩu thả phiến diện (năm chữ «sắc, thọ, tưởng, hành, thức» là năm chữ đầu lòng và vỡ lòng cho tất cả Phật tử trong tất cả mọi tông phái của Phật giáo).

Trần Trọng Kim đã nhận ra Nguyễn Du trong bài nói chuyện về đạo Phật trong truyện Kiều, nhan đề Lý Thuyết Phật Học Trong Truyện Kiều: «Có một điều mà tôi muốn các độc giả lưu ý xét cho kỹ, là cứ như ý tôi, thì truyện Kiều bày tỏ một cách rất rõ ràng cái thuyết nhân quả của nhà Phật… Có người nói rằng: Nguyễn Tố Như tiên sinh dịch ra truyện Kiều, là một nhà thâm nho nay lại nói tiên sinh theo Phật học, thì cho là không đúng sự thực. Nguyễn Tố Như tiên sinh không những đã hiểu rõ cái tư tưởng của Phật học ở trong truyện Kiều mà thôi, tiên sinh còn làm bài Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh cũng theo đúng cái tư tưởng ấy. » (Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim, Truyện Thúy Kiều, trang XLII-XLIII)

Chẳng những thuyết nhân quả tràn ngập truyện Kiều mà tất cả tư tưởng Phật giáo đã thâm nhập vào từng chữ nghĩa của truyện Kiều trong tinh thần «phương tiện thiện xảo» cho đại chúng bình dân mà chẳng bỏ quên tinh thần thâm quảng ẩn mật thập huyền môn của Phật giáo ngay trong cách chuyển vận ngôn ngữ của nghệ thuật thi ca và thế lực ẩn tàng của tư tưởng siêu việt.

Tại sao chúng ta đã nói đến những cấp độ của thiền định và những pháp môn quán tưởng của Phật giáo lúc đề cập hai câu thơ «bởi lòng tạc đá ghi vàng, tưởng nàng nên lại thấy nàng về đây»?

Chỉ để cho chúng ta thấy rằng cách sử dụng chữ nghĩa của Nguyễn Du rất là tinh mật và ý nghĩa tinh mật ấy đã được đặt trong mạch nghĩa nào của truyền thống đạo lý và triết lý Á đông. Nếu chúng ta hiểu được đôi điều thiết yếu này thì chúng ta sẽ có cái nhìn khác về hai câu thơ và hiểu rằng cái tưởng trong câu tưởng nàng nên lại thấy nàng về đây không phải là tưởng tượng suông và cũng không phải là ảo tưởng hay ảo ảnh của Kim Trọng mà chính Kim Trọng đã quán tưởng (theo nghĩa đen ở cấp độ thấp nhất của những phương pháp quán tưởng của Thiền và Mật Phật giáo) và Kim Trọng đã nhìn thấy Kiều thực sự, như sau này Thúy Kiều đã gặp gỡ lại Kim Trọng và nhìn thấy Kim Trọng như thực mà vẫn ngờ rằng mình chiêm bao «tưởng bây giờ là bao giờ, rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao».



Trích: Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc, trang 334-338, Viện Triết Lý Việt Nam và Triết Học Thế Giới, California USA, 1996.


chú thích

(*dtk 01)

rừng sâu = thâm lâm 深林

Phạm Công Thiện chú:

Bài học lớn nhất về thi ca đã được thể hiện qua bài ngũ ngôn tuyệt cú nhan đề Lộc Trại của Vương Duy qua tinh thần bát ngát của Bát Nhã Không Tính:

鹿柴

空山不見人,但聞人語響。

返景入深林,復照青苔上。

Lộc trại

Không sơn bất kiến nhân,

Ðãn văn nhân ngữ hưởng.

Phản ảnh (*) nhập thâm lâm,

Phục chiếu thanh đài thượng.

(*) 2 chữ 返景 ngày xưa đồng với 返影 (phản ảnh) = ánh sáng mặt trời khi sắp lặn phản chiếu qua mây.

... mà tất cả ý nghĩa của hưởng, của phản ảnh, của phục chiếu được chuyển hiện giữa «Không tính» của «Không sơn», giữa «bất kiến nhân» và «vô nhân, vô ngã, vô chúng sinh, vô thọ giả» của Kim Cương Bát Nhã, giữa «thâm Bát Nhã» và «thâm lâm», và nhập ở thơ đã tương ứng với «nhập định» và «nhập Phật tri kiến»… (Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc, trang 289)


(*dtk 02) 

Ngã độc Kim Cương thiên biến linh

Kì trung áo chỉ đa bất minh

Cập đáo Phân kinh thạch đài hạ

Chung tri vô tự thị chân kinh

我讀金剛千遍零,

其中奧旨多不明。

及到分經石臺下,

終知無字是眞經。

dịch nghĩa:

Ta đọc Kinh Kim cương hơn nghìn lần

Nhiều yếu chỉ sâu sắc trong đó ta không rõ

Đến nay, dưới đài đá «Chia kinh»

Mới hiểu kinh «không chữ» mới thật là chân kinh

dịch thơ:

Ta đọc Kim Cương quá số nghìn

Yếu chỉ bên trong chưa thực rõ

Đến đây, nền đá đài «Chia kinh»

«Không chữ» chân kinh, giờ mới tỏ

(Đặng Thế Kiệt dịch)



tham khảo

https://fanti.dugushici.com/mingju/14637





Comments

Popular Posts