Giá trị luân lý của Đoạn Trường Tân Thanh hay là giọng nói của Nguyễn Du
Bùi Giáng (1926-1998)
Ông Hà Như Chi có gửi cho anh em học sinh chúng ta một tặng vật vô giá: hai tập sách "giảng văn" (1) viết rất công phu, chu đáo. Tập thứ nhất, với những quan điểm ngời sáng đã làm ta cảm động rất nhiều. Ta chờ đợi tập II, lòng rất băn khoăn… Tập II, chương trình đệ tứ và đệ nhị, có tác phẩm của Nguyễn Du. Ta hồi hộp. Bậc đàn anh mà chúng ta mến mộ có sẽ làm ta thất vọng hay không? Ta sợ rằng người sẽ chạm vào tác phẩm lớn với một bàn tay kém thận trọng. Nhưng khi tiếp đuợc tập sách, chúng ta thấy thật sự được yên lòng. Lời giảng luận của ông Hà Như Chi ở đây chứng tỏ một tâm hồn giạt dào giữa bao nhiêu nhận xét vô tư, thẳng thắn. Chúng ta sung sướng nhận ra nơi đây một sự điều hòa đẹp đẽ, giữa một khối óc và một tấm lòng. Và khi nhận xét về giá trị luân lý của Truyện Kiều, trước những bản án nghiêm khắc của các nhà phê bình đứng trên lập trường đạo đức xưa nay, và nhất là của ông Nguyễn Bách Khoa, lời biện hộ của ông Chi thật hùng hồn, vừa giản dị vừa sâu xa.
Và mục đích của kẻ viết bài này là góp vào một lời bàn với ông Chi về điểm ấy: giá trị luân lý và nhân bản của Truyện Kiều; góp một lời bàn, đưa thêm một chút ý kiến riêng.
Giá trị luân lý của Truyện Kiều. Truyện Kiều có phản đạo lý hay không. Vấn đề người ta bàn tới đã nhiều. Và ta thấy có gì buồn rầu khi buộc lòng phải lựa lời bàn lại. Lời lẽ ta có ý nghĩa gì không? Có sẽ phụ lòng bạn đọc? Có phản lại chính mình? Và có phụ lòng kẻ trước khi nhắm mắt còn thở than: "Bất tri tam bách dư niên hậu…".
Giá trị luân lý của Truyện Kiều như thế nào? Ta sẽ dựa trên nguyên tắc nào mà định đoạt giá trị nó? Cái gì sẽ là tiêu chuẩn của chúng ta khi xét giá trị luân lý của một tác phẩm văn chương? Ta có nên căn cứ vào những việc làm của nhân vật, những cảnh tượng được kể lại trong tác phẩm để mà quy kết rằng tác phẩm này có giá trị luân lý, tác phẩm kia phản đạo đức? Ta có nên phân biệt tinh thần đạo đức chân chính với những quy tắc đạo đức của một một nền giáo lý nghiêm nhặt không? Tương quan giữa luân lý và văn chương như thế nào? Tác giả khi thai nghén một tác phẩm văn chương có nên luôn luôn để bị chi phối vì những nguyên tắc luân thường không? Mà để bị chi phối theo một lối nào? Tất cả những câu hỏi phức tạp này, ta tưởng như những lời luận bàn sâu sắc của ông Chi đã giải đáp đầy đủ. Ông đã đi khắp một vòng hầu hết những ý kiến xung đột nhau từ trước tới nay chung quanh vấn đề: "luân lý Truyện Kiều". Trong bài này, tôi dám xét lại vấn đề dưới một vài khía cạnh, sắc thái khác thôi.
Những kẻ mạt sát Truyện Kiều, muốn loại trừ tác phẩm Nguyễn Du khỏi chương trình giáo dục, lấy cớ nàng Kiều chỉ là một con đĩ xấu xa cả phách lẫn hồn… Kẻ bênh vực cho rằng vì hoàn cảnh bắt buộc, Kiều phải sống đời ô nhục, nhưng tâm hồn nàng cao quý, trong trắng, trung, hiếu, nghĩa, đủ đường. Người ta căn cứ nhiều trên hành động của nhân vật để kết luận rằng Truyện Kiều có giá trị luân lý hay không. Và nên giữ nó lại hay không. Đó là một quan điểm quá hẹp hòi. Kiều có thể rất truỵ đọa tâm hồn, mà tác phẩm của Nguyễn Du vẫn có thể có một giá trị luân lý và nhân bản sâu xa; cũng như nàng Kiều có thể thanh cao hết mực mà giá trị luân lý và nhân bản của tác phẩm Nguyễn Du rất kém. Ta nên định giá trị luân lý của tác phẩm theo nhân sinh quan của người kể chuyện thì đúng hơn. Cái đời sống tầm thường, hay nhu nhược, hay yếu hèn của cô gái triều Minh có làm nổi bật một bài học luân lý nào là do nhân sinh quan của người kể chuyện. Cái nhân sinh quan đó như thế nào, mà tuy quan điểm nghệ thuật của tác giả đã lấn át quan điểm luân lý, tác phẩm nghệ thuật của Nguyễn Du vẫn như nghìn năm còn gửi gắm lại cho ta một bài học luân lý sâu rộng vô cùng.
Tại sao đời sống tầm thường của Kiều ngót một thế kỷ rưỡi đã khua động đến cùng tâm hồn của người Việt. Dù khen, dù chê, ai cũng phải nhìn nhận nó có một sức hấp dẫn kỳ quặc. Kiều có thể đã nhiều lần hành động trái với giáo lý Khổng Mạnh, Thích Ca, mà tại sao ta vẫn thấy không đành cho rằng Đoạn trường tân thanh là phi đạo lý, tại sao tác phẩm Nguyễn Du vẫn như một tiếng kêu tha thiết, vang dội thẳng vào lương tâm ta đến tận phần sâu thẳm nhất?
Ta lấy làm lạ. Và nhiều người vội cho rằng đó là do ảo ảnh mê hoặc của từ chương. Làm gì có chuyện ấy. Cái văn chương phù phiếm kiêu sa đời nào có sức cảm động đến trình hạn ấy, mà cảm động chính ngay cái tinh thần đạo đức của chúng ta. Ta tưởng như ở đây Thiện và Mỹ không tách rời một tí nào được. Một tác phẩm văn chương bệnh hoạn, phản lại tinh thần đạo đức trong lương tâm con người có bao giờ mang được cái dáng dấp kiều diễm lạ lùng kia.
Và ta muốn nói: tác phẩm văn chương, trước nỗi đau khổ của một kiếp người đã đặt lại vấn đề đạo lý ở ngoài cương vực thông thường. Một tác phẩm văn chương nào không phản lại tâm lý của con người, nói lên được nỗi buồn đau tủi nhục của người trước cuộc sống, sự cố gắng của người, cái thiện chí của người gìn giữ một chút gì thủy chung giữa muôn vàn thay đổi, giúp người vượt cuộc sống thực tế bon chen, giao hòa cùng đất trời trong một niềm xót xa chung cho cuộc sống, tác phẩm văn chương ấy sẽ có một giá trị luân lý sâu xa.
Kiều có thể đã vô tình làm chết đạo Khổng: cái đạo Khổng đã bị xuyên tạc, di lệch nhiều, và không còn được bấu víu vào nhân cách của vị giáo chủ, dựa vào bản ngã rạng ngời của bực thánh hiền xưa — vâng, cái đạo Khổng di lệch ấy, cần chết đi để cho cái tinh thần đạo lý muôn đời của giống người sống lại, đúng với nguyện vọng của thánh hiền xưa.
Tự bao đời, Khổng giáo đã chỉ còn là một mớ ước lệ câu thúc cá nhân. Và mỗi lần cha ông chúng ta nhắc "Khổng Tử viết…" là mỗi lần danh từ xô bồ đã che lấp sự thật. Còn đâu cái tấm lòng dào giạt vô biên của Khổng Khưu, con người của lẽ "tuỳ thời biến dịch", con người cẩn trọng "dư dục vô ngôn", con người sáng suốt, đau lòng vạch mặt bọn hương nguyện "hương nguyện đức chi tặc dã". Người ta lặp lại lời của thánh nhân, nhất cử nhất động nhắm mắt theo lời dạy của thánh nhân, mà thật ra người ta đã không để lòng mình cùng lòng thánh nhân rung cảm. Giữa thánh nhân và người, nẻo cảm thông đã hoàn toàn nghẽn lối. Người ta luôn luôn thấy mình bị ép buộc phải vâng theo. Giáo lý còn ghi không còn giữ được cái dào giạt của tâm hồn, và cả nền đạo đức đã cằn cỗi khô khan như cây mất nhựa sống.
Vận mệnh của đạo lý xưa nay vẫn là như thế. Rồi những quy tắc nghiêm nhặt chỉ còn nói chuyện với đầu óc chúng ta. Nhưng làm sao được giữa bao bước nổi chìm của cuộc sống đổi thay, chúng ta cần sống với cõi lòng nhiều hơn. Đạo lý thiếu cái dào giạt của tâm hồn làm rạng rỡ nghĩa, đạo lý chỉ còn là một cái gì u tối, mong manh trước sức dập dồn của cuộc sống.
Khổng giáo nghiêm nhặt, Lão giáo siêu nhiên, và Phật giáo mầu nhiệm, hay mác-xít khoa học, có thể hoàn thành nhiệm vụ của nó giữa đời không? Nhưng cái số người đạo đạt Lão giáo, Phật giáo được mấy ai? Đi sâu vào một nền siêu hình tốn quá nhiều thì giờ, và đòi hỏi quá nhiều cố gắng tinh thần, óc trừu tượng. Mà cuộc sống thì tết dệt bằng vui mừng vì gặp gỡ, đau đớn vì phân ly, hân hoan vì ăn ngon miệng, và khoan khoái vì ngủ ngon lành. Cái gì sẽ giúp cho thế nhân đông đảo rung động chân thành để hiểu đạo lý sâu xa bằng trực giác, và lựa được nhịp điều hòa giữa cuộc sống va chạm, đẩy xô? Tôi tưởng ấy là tác phẩm văn chương.
Và chúng ta xin nói lại: Bằng tác phẩm văn chương, trước một nỗi đau khổ của con người cũng như trước bao nhiêu tầm thường của cuộc sống oái ăm, ta thấy vấn đề luân lý được đặt lại sâu rộng vô cùng ở ngoài cương vực của giáo lý.
Tác phẩm văn chương nghệ thuật đi thẳng vào tâm hồn ta, khêu gợi dậy tinh thần đạo đức tiềm lắng trong tâm tư. Người bình dân lam lũ, đầu tắt mặt tối, chân lấm tay bùn, sẽ sẵn sàng trâng tráo cười nhạt trước lời "Khổng Tử viết…", và sẵn sàng vũ phu, tàn bạo trước bao nỗi bất công… Bao nhiêu lọc lừa, phản bội, thù oán, tị hiềm sẽ xô đẩy loài người vào chỗ xung đột liên miên… Nhưng do đâu người bình dân có cái nét chịu thương chịu khó, tận tuỵ, trung thành? Ta tưởng chính là cuộc đời hiền dịu trước cỏ cây, và tâm hồn thơ nhạc muôn đời vẫn còn biết rung động trước lẽ Đẹp… Rồi những câu ca tiếng hát giữa gió nội trăng ngàn đã làm nở giãn tâm hồn họ, hé cho họ thấy ý nghĩa vĩnh cửu của đời, qua cái hỗn loạn của kiếp sống phù du.
Tay bưng dĩa muối chấm gừng,
Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau…
Đôi ta lên thác xuống ghềnh,
Em ra đứng mũi cho anh chịu sào.
Ngày mai, để thực hiện một xã hội công bằng, chúng ta sẽ hô hào họ đứng lên, nếu bạn muốn. Căn tính hung hãn của con người sẽ được ta đánh thức dậy, nếu bạn đành lòng. Nhưng cơn gió lốc qua, khói bụi đời phải cho lắng xuống. Người phải sống lại dưới lũy tre xanh bên hàng giậu thắm, đi trong con đường râm mát, có gió rì rào, chim ríu rít. Ta sẽ xây lại hạnh phúc cho loài người bằng lẽ Thiện trong văn chương.
Và có tác phẩm nào trong văn chương tiếng Việt gây cho người những nỗi thương tâm, bất bình, vừa sâu xa man mác, vừa an ủi lạ lùng như Đoạn trường tân thanh? Tác phẩm của Tố Như đã làm rạng nghĩa cho đạo lý như thế nào? Khi chậm rãi kể lại cho chúng ta đời sống của Kiều cùng mọi hành động, cử chỉ, lời ăn tiếng nói, câu khóc giọng cười, nhà nghệ sĩ không một lần nào vo tròn hay bóp méo nghệ thuật để cho nó quy thuận theo dụng ý riêng tây, mà vẫn trọn vẹn ký thác được tâm sự mình, và đã cho đời sau thấy cả một nhân sinh quan lung linh tuyệt diễm. Nguồn đạo lý thoát ra từ cái nhân sinh quan sâu sắc ấy, từ cái nhìn rất gần gũi với cuộc đời, mà hầu như đã hoàn toàn siêu thoát, người sẽ nói đến tài, đến mệnh, đến luật bỉ sắc tư phong, nghĩa là đến những ý tưởng sáo — và nhiều khi chúng ta muốn mỉm cười cho là nhạt nhẽo, bâng quơ — nhưng nếu ta chịu chậm rãi thung dung nhận lại, ta sẽ thấy không biết bao nhiêu sâu xa của tư tưởng, u uẩn của tâm tình, khúc mắc của tâm can được giải bày dưới những lời tầm thường mà người thường vẫn thường dùng quen trăm bận. Rồi cũng từ đó, bao nhiêu hành động, ngôn ngữ của nhân vật, khi yếu, khi hèn, khi tầm thường nhu nhược, nhân vật mà người khen, khen hết mực, người chê, chê không tiếc lời, nhân vật ấy bỗng khoác một dáng dấp khác hẳn, giống hệt đời, mà buộc ta vượt qua đời, rất gần gũi mà lại nhắc nhở xa khơi, ta cùng người đắm chìm trong tủi nhục, mà lại muốn "cao xanh liều một cánh tay níu trời…" (2). Và những người đứng ngoài cuộc, chống ý nhau, người tán dương, kẻ thóa mạ, cả đôi bên đều không ngờ rằng mình vẫn cùng nhau mang nặng một bản chất, bản chất của con người vừa vinh vừa nhục, vừa Satan quỷ quyệt, vừa Thiên thần, nơi đất trích vẫn hoài niệm Thiên Thai…
Đáng lẽ sau khi chửi nhau thỏa miệng, họ phải giật mình… cười xòa nhận ra chúng mình thảy là con dân đất nước, dưới bầu trời dịu ngọt của thiên nhiên, dưới ánh hồng đã làm ngưng tụ tinh hoa của sương tuyết trong một thiên tài diễm tuyệt của Hồng Lĩnh, Lam Giang. Và xin nguyện cùng nhau từ nay ta hãy biết yêu thương tác phẩm của người trong một niềm thân ái khác. Ta sẽ hân hoan bảo nhau: Hoài Thanh hãy im tiếng, Phạm Quỳnh hãy nín hơi, Nguyễn Bách Khoa hãy dừng lại… "Cô hãy dịu dàng… chậm chậm thưa anh…". Các bà con đừng bận tâm gì về những lời thưa thốt cũ sai lệch của mình, hãy dịu lòng lắng lại tiếng "tân thanh", trăm năm cũ còn ghi tên tuổi hão… Rồi trong đêm xuân tịch mịch, hay trong đêm thu võ vàng, cùng với hương đêm say dậy ánh sao ngời, cả một "trăm năm trong cõi người ta" sẽ huy hoàng hiển hiện với những màu sắc dị thường… có anh, có chị, có nàng, có em… Mọi khuôn mặt buồn đau, nhăn nhó, hay tươi tắn với tình mộng buổi đầu, mọi khuôn mặt đều lung linh trong màu sắc mới qua tấm gương ngọc vô cùng lạnh lẽo của Đoạn trường tân thanh.
Cả một cảnh đời băng giá dưới ánh trăng huyền diệu của văn chương đã được Tố Như giăng giăng phơi trải… Và mọi chúng ta, bước trên con đường bon chen của cuộc sống, dừng lại, đưa mắt bâng khuâng. Thanh thản chợt về lại trong tâm hồn. Ta soi lại bóng mình. Và thấy lòng yên dạ: cuộc sống vẫn là xô bồ, nhưng bên kia cái xô bồ còn lung linh một bóng hình diễm ảo: cứu cánh của cuộc đời ta thì ra không phải chỉ có lợi, danh, tình… những của phù phiếm ấy có nghĩa gì giữa cuộc sống phù du? Nếu người không biết để lòng mình giạt dào trong một nỗi cảm thông nào cùng trời đất, mà nghìn năm cây lá vẫn ngâm vang:
"Con là sáo, mẹ là ngàn vạn gió,
Mẹ là trời, con là hạt sương rung…"
(Xuân Diệu)
Kiều đã sống một cuộc sống giống chúng ta. Nàng đã đau khổ. Như mọi chúng ta thôi. Nhiều hơn một số, và ít hơn một số. Nàng tỏ ra có thiện chí ít nhiều, và nhiều lần tội lỗi. Đời nàng tầm thường là hình ảnh kiếp người tầm thường. Nhưng khi kể lại đời nàng cho ta nghe, Nguyễn Du đã có một giọng điệu nhặt, khoan, trầm, bổng thế nào, và đã làm sáng ngời bài học luân lý. Chúng ta cảm động. Khi lặng nghe Nguyễn Du chậm rãi giọng lời, chúng ta thấy bên kia tối tăm, một kiếp người đương vùng vẫy. Trong tâm khảm ta, từ nay hình ảnh ấy sẽ in sâu, rõ nét, đậm màu. Vì bên tai ta luôn văng vẳng giọng Nguyễn Du. Con người nhỏ bé trong tác phẩm đã cho ta một bài học lớn. Chúng ta thầm tạ ơn tác giả. Giá trị luân lý của Đoạn trường tân thanh không do những hành động vụn vặt của Kiều, mà do lời thuật chuyện của thi nhân. Lời đây không phải là lời văn, mà là giọng nói của một tấm lòng. Lời nói mang nặng biết mấy tâm tư: tâm linh của người dân Việt hội tụ lại ở đây, một lần duy nhất: trong sáng hơn ca dao, thâm thúy hơn tôn giáo, diễm tuyệt hơn văn chương, vì cái giọng não nùng của một kiếp sống dở dang trong giòng đau thương của thế kỷ. Dở dang mà không gì nguyên vẹn cho bằng.
***
Ta hãy bước lệch một bước vào riêng một chi tiết, để rồi trở lại với toàn thể, lòng sẽ thỏa nguyện trong mối tổng hợp hơn.
Xưa nay, người ta vẫn thường cho rằng Kiều Thủy chung với Kim Trọng; trong đời luân lạc luôn luôn trung thành với hình ảnh người gặp gỡ ban đầu. Một số khác cho rằng nàng đổi lòng thay dạ trâng tráo vô cùng. Rồi kẻ chê người khen. Chê khen Kiều, và chê khen Nguyễn Du. Nhưng ta tưởng rằng đọc Kiều, ta nên luôn luôn thận trọng, đừng vội vàng không nhận ra cái nét phức tạp của tâm lý Kiều, và cái nhân sinh quan sâu sắc của Nguyễn Du. Kiều là một người. Tâm hồn nàng tha thiết như tâm hồn người lúc tuổi xuân, và cũng là tâm hồn yếu đuối của người trước sóng đời dày dập. Kiều đã yêu Kim Trọng, nồng nàn. Đau đớn đến tột cùng khi lỗi hẹn ra đi. Trên bước phong trần luôn luôn tưởng nhớ, nhưng sau những nỗi ê chề, hình ảnh ban đầu hiện về trong vẻ nhạt phôi pha, đó là lẽ thường, ta phải nhìn nhận. Và ta tưởng đừng nên tuyệt đối buộc nàng phải chung thủy trọn đời trong tâm tưởng với người yêu. Cái thê lương, buồn tủi thê mê của kiếp người là ở đó. Nguyễn Du đã thấm thía cái ý nghĩa của năm tháng phôi pha thế nào, khi để cho Kiều thốt: "Tiếc thay chút nghĩa cũ càng, Dẫu lìa ngó ý…". Chút bùi ngùi, luyến tiếc, thế thôi. Nặng tình, không thể còn nữa. Nàng có thể nặng tình, nặng nghĩa với Thúc Sinh, với Từ Hải hơn với Kim Trọng, ta cũng không vì thế mà phật lòng.
Và sau này tái ngộ, cái chút dùng dằng mới ảo não làm sao. Thật quả như lời nàng lo sợ thuở xưa:
Trùng phùng dầu họa có khi,
Thân này thôi có còn gì mà mong.
Và, trong đêm động phòng não ruột:
Hay gì vầy cái hoa tàn mà chơi.
Nhưng ta nên nhớ rằng cái sự thật của chiếc hoa tàn ngày nay trong quan niệm của con người đã mười lăm năm lưu lạc, không phải như cái sự thật của "thân này thôi có còn gì mà mong" trong quan niệm của người con gái khuê các trong trắng ban đầu hình dung trước viễn ảnh. Ngày "phong rủ ấm là", nàng chỉ quan niệm được sự suy đốn của tấm thân. Sau mười lăm năm chịu đày đọa nàng sẽ cay đắng hơn nhận ra không riêng gì tấm thân suy đốn. Cả tâm hồn tình mộng cũng nát tan. Cái gì mà còn nguyên giữa đời bụi gió. Đổi thay và đổi thay… Gió bụi và gió bụi. Ở lầu xanh khi sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh, nàng vẫn tin linh hồn mình với chàng Kim còn nguyên vẹn, có nhượng bộ với đời chỉ là tấm thân chịu nhượng bộ mà thôi. Nhưng rồi qua một mối tình với Thúc Sinh mặn mà giữa cay đắng, ta bắt đầu cùng nàng cảm thấy rằng cái tâm hồn nguyên vẹn tuyệt đối của tuổi xuân thuở "phong gấm rủ là" của con người thề thốt dưới ánh trăng cùng ai "đinh ninh hai mặt", cái tâm hồn nguyên vẹn ấy cũng đã bắt đầu nhượng bộ rồi. Bức thành trì quanh điện đài sâu kín của tâm tư đã bắt đầu long lở. Tuy điện đài vẫn còn dường lộng lẫy như nguyên:
Tóc thề đã chấm ngang vai,
Nào lời non nước, nào lời sắt son.
Để rồi sau này sẽ sụp đổ luôn, thêm một lần giông tố, thấy mình thất thế hơn nữa giữa đời, nàng thua trí Hoạn Thư, chịu ăn cắp chuông vàng khánh ngọc trốn đi, để sa vào thanh lâu lần nữa; để gặp Từ Hải, để chịu coi nhẹ tình của trượng phu đã rộng thương chút thân bèo bọt, để nghĩ đến cái nở nang mặt mày của cỏ nội hoa hèn, đưa Từ Hải đến cái chết đau thương… Lòng Kiều sẽ lại thấy những gì? Cái ơn tri ngộ thăm thẳm như bể trời còn tan nát, huống mối tình phơi phới buổi ban sơ. Những mũi tên liên tiếp tấn công quả tim người nhi nữ. Không một lần nào có lẽ Kiều thấy tủi nhục cho mình bằng khi đứng trước cái chết của kẻ trượng phu, bởi vì mũi tên tuy là nói rằng của đời trớ trêu bắn tới, mà sự thật là chính nàng đã góp phần mài giũa mũi tên. Và buồn tủi nhất là nàng, còn chịu lê thê sống sót sau cái đêm tối rợn rùng, còn chịu thị yến dưới màn Hồ Tôn Hiến. Sau này nàng muốn trang trắng nợ trong nước sông Tiền Đường. Ta muốn hỏi: Có hoàn toàn lương tâm sẽ được gột rửa hay không? Và ta muốn đáp: Được gột rửa chăng thì cũng phải gieo mình ngay sau Từ tử trận, chứ không thể nào sau việc thị yến dưới màn. Bài vịnh chua chát của Tản Đà:
Hai làn nước mắt, hai làn sóng,
Nửa đám ma chồng, nửa tiệc quan.
đã phơi trải cho ta thấy tất cả cái tủi nhục không cùng trong bước nhượng bộ của người đàn bà lùi bước trước định mệnh:
Tổng đốc ví thương người bạc mệnh,
Tiền Đường chưa chắc mả hồng nhan.
Mà sao trong cái nhục ấy, tại sao ta bàng hoàng cảm thấy cái vinh dị thường của kiếp người hết đường vùng vẫy trong đau thương? Bởi vì đó là cái nhục của Thúy Kiều, nhân vật duy nhất của Nguyễn Du, kết tinh của một thiên tài tuyệt thế, phản ánh kiếp sống của một đời người chịu dạn dày ở giữa chỗ rã tan của xã hội, chỗ hủy thể của một nền giáo lý hết sinh lực trước sự tấn công của cuộc đời đòi hỏi một nhân sinh quan sâu rộng. Từ thất bại này đến thất bại khác, từ tủi nhục này đến tủi nhục khác, trước khi tìm tổng hợp được ý nghĩa đời mình, phải qua một lần cùng cực của tuyệt vọng. Tuyệt vọng của con người sau mười lăm năm lăn lóc dạn dày, Kiều gieo mình xuống Tiền Đường. Cái tuyệt vọng này không giống cái tuyệt vọng thuở xưa khi cầm dao đâm vào cổ, khi lần đầu tiếp xúc với tủi nhục của lầu xanh. Cái tuyệt vọng trước là cái tuyệt vọng của con người lạc quan bắt đầu nếm mùi cay đắng, chết với cả tấm lòng trong trắng hồn nhiên, tấm lòng hôi hổi vị yêu đời. Lúc gục đầu nhắm mắt, người không hổ thẹn mà hân hoan gọi tên người yêu về chứng giám: "Ôi Kim Lang! Hỡi Kim Lang! Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!". Cái tuyệt vọng sau là của người đã trải hết mọi cay đắng, dửng dưng trước mọi sự rồi, vinh cũng như nhục, sống cũng như chết, nhưng vì sinh lực đã quá mỏi mòn, người không còn đủ sức kéo dài kiếp sống lê thê, nên người lại đành chọn cái chết. Chết như thế kể cũng còn lạc quan. Chưa đến nỗi nào. Và vì chút hy vọng đó nên sau này được hồi sinh, nàng còn về với cha mẹ, và còn đủ sinh lực để tổng hợp lại đời mình, góp nhặt lại những mảnh hồn tơi tả, dệt lại một tấm vải đơn sơ quý hơn gấm vóc để mặc vào làm duyên lại với đời: con người tha thiết yêu đương đã chết, nhưng con người theo nghĩa sâu rộng đã thành tựu hoàn toàn. Từ bao nhiêu đau khổ đã trải qua sẽ được nhìn lại sau tấm màn sương đẹp của một nhân sinh quan mới, giúp nàng hòa giải với cuộc đời, hân hoan sống bên người yêu cũ với một niềm tuyệt vọng vô biên, mà vẫn tuyệt vời thanh thản. Người yêu tưởng nàng đã tìm lại được hạnh phúc, người yêu tưởng có thể đem "kim mã ngọc đường" an ủi được kẻ gió sương, đâu có ngờ rằng con chim dạn dày sương gió, con chim giang hồ mười lăm năm từng đã lạnh sơn khê không thể nào tìm lại hạnh phúc trong vườn hoa đầm ấm của phong gấm rủ là. Nàng ôm cả một thế giới nội tâm huyễn hoặc dệt bằng kinh nghiệm, tết bằng đắng cay, đan bằng gai góc, chỉ riêng một mình mình biết, một mình mình hay… dù anh là thù, chị là bạn, chàng là người yêu cũng không ngờ tới được. Nàng sống thanh thản đầm ấm (!) giữa cô đơn; nàng sẽ dốc lòng tận tuỵ vì hạnh phúc của Vân, của gia đình Vân — ta tin rằng không ai săn sóc "sân quế hoè" của Kim Vân chu đáo bằng người chị bị đời ngược đãi ấy. Hình ảnh đời nàng hệt là hình ảnh đời Tố Như. Sống cô độc giữa triều đình nhà Nguyễn, không hề bao giờ lên tiếng nói năng bàn việc triều chính, vua có biết hay vua không biết, người không màng gì danh lợi nữa, mà vẫn dốc một lòng tận tụy trên chức trách mình, hết lòng làm việc lợi dân, cho nên người thời bấy giờ đều khen tiên sinh là người giỏi nghề cai trị. Cái tâm sự của Kiều chỉ riêng Nguyễn Du hiểu. Hay nói ngược lại: tâm sự của Nguyễn Du chỉ riêng Kiều hiểu. Cô gái Bắc Kinh đã may mắn được bậc di thần triều Lê đem giãi bày tâm sự. Nguyễn Du đã nâng Kiều lên ngang với mình, và có lẽ cùng với đôi người bạn đồng thời, có lẽ đã riêng là tri kỷ của tiên sinh: Phạm Quý Thích và Mộng Liên Đường chủ nhân. Một người để lại một bài thơ vịnh Kiều, một người đã viết cho tác phẩm một bài tựa lai láng cảm thông:
Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy,
Tân thanh đáo để vị thùy thương.
(Phạm Quý Thích)
Và:
"… Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy…" (Mộng Liên Đường chủ nhân).
Ta lấy làm lạ tại sao những lời bàn ấy không đủ báo trước cho các học giả, các nhà phê bình sau này phải dè dặt.
Đến đây ta thấy ngại ngùng khi phải nêu trở lại những tiếng "giá trị luân lý" Truyện Kiều. Những danh từ ấy đã trở thành vô nghĩa. Chúng đã đánh lừa ta, khi ta đi tìm ý nghĩa Đoạn trường tân thanh. Những danh từ ấy người ta dùng đã quá nhiều, chúng xui ta lầm lạc ung dung bước vào những nẻo mòn, lối cũ. Ta phải đi về những lối khác, nhìn ngắm những phương hướng khác, cần buộc lòng mình di đảo những nếp cảm nghĩ cũ, cần một tấm lòng mới mẻ chịu cảm thông, và sẵn sàng bắt nhịp. Thế kỷ chúng ta từ lâu đã cho ta đủ điều kiện
Trải qua một cuộc bể dâu...
(Một vài nhận xét về Truyện Kiều và Truyện Phan Trần,
NXB Tân Việt, Sài Gòn, 1957).
Chú thích
(1) Việt Nam Thi Văn giảng luận tập I và II – Tân Việt xuất bản.
(2) Vũ Hoàng Chương, bài Nguyện Cầu, trong tập thơ "Rừng Phong", 1954.
Comments
Post a Comment