vườn thúy, én liệng lầu không...

tác giả: Nguyễn Hữu Vinh


Lần đầu trở lại Huế, tìm thăm cô nàng hàng xóm ngày xưa sau gần 20 năm xa cách.

Nàng vắng bóng, cửa nhà hoang vắng, y chang Kim Trọng tìm thăm Kiều ở vườn Thúy!

2749. Xập xòe én liệng lầu không,
2750. Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày.
2751. Cuối tường gai góc mọc đầy,
2752. Đi về này những lối này năm xưa.
2753. Chung quanh lặng ngắt như tờ,
2754. Nỗi niềm tâm sự bây giờ hỏi ai...

Hỏi hoa thì hoa cười, hỏi én thì én xập xoè, đến chỗ cuối vách tường thì gai góc, mặt đất thì rêu cỏ mọc đầy, hỏi người thì vắng lặng, chẳng có ai để hỏi, thê thảm quá chàng Kim!

Đây là nỗi lòng của Kim Trọng và ngoại cảnh khi về chốn cũ tìm Kiều ở vườn Thúy, nay đã tiêu điều.

Chuyện "vườn Thúy" viết ra trong thế kỷ 17, còn Sầm Tham 岑參 (715–770) đời Đường thì lên núi thăm vườn Lương, cách nhau cả gần ngàn năm, mà lòng người cảm xúc chẳng khác gì nhau!

Biết đâu Sầm Tham cũng vì ai đó mà ngẩn ngơ nhìn cảnh nhớ người:









"Sơn phòng xuân sự"

Lương viên nhật mộ loạn phi nha,
Cực mục tiêu điều tam lưỡng gia.
Ðình thụ bất tri nhân khứ tận,
Xuân lai hoàn phát cựu thì hoa.


Dịch nghĩa:

"Cảnh xuân nơi nhà trên núi"
vườn nhà họ Lương
Chiều tối quạ bay hỗn loạn trong vườn nhà họ Lương,
Đứng đây trông tít đằng xa chỉ thấy đôi ba ngôi nhà đìu hiu.
Cây trong sân nhà không biết người đã đi hết.
Xuân về lại nở hoa y như thời nhà còn người ở.


Dịch thơ bài 1:

Trời tối vườn Lương quạ bay nhiều,
Nhà đâu lác đác cảnh đìu hiu.
Cây vườn chẳng biết người đi hết,
Xuân đến hoa xưa lại nở đều.

(Nguyễn Hữu Vinh dịch)


Dịch thơ bài  2:

Trời tối vườn xưa quạ loạn bay,
Vời trông vàng võ mấy nhà ai.
Cây sân chẳng biết người đi hết,
Xuân đến hoa tươi tựa những ngày...

(Đặng Thế Kiệt dịch)


Dịch thơ bài  3:

Vườn vắng quạ bay đêm lặng tờ,
Làng xưa mấy ngói ấy lưa thưa.
Hoa nào có biết người đã khuất,
Xuân này cười tợ những xuân xưa.

(Trần Uyên Thi dịch)


Dịch thơ bài  4:

Vườn Lương quạ loạn chiều hôm,
Vời trông xơ xác lom khom vài nhà.
Cây sân nào biết người xa,
Sang xuân lại nở cành hoa năm nào.

(Hạt Cát dịch)














Comments

Popular Posts