mây Tần


Đọc Truyện Kiều, gặp những câu thơ hết sức mông lung. Hình như càng mông lung chừng nào, càng hay chừng nấy. Thế mới lạ.

Chẳng hạn 2 câu này:

0249. Mây Tần khóa kín song the,
0250. Bụi hồng liệu nẻo đi về chiêm bao.

hay 2 câu này:

1239. Mặc người mưa Sở mây Tần,
1240. Những mình nào biết có xuân là gì.

hay 2 câu này nữa:

2235. Đoái thương muôn dặm tử phần,
2236. Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa.

3 lần dùng 2 chữ "mây Tần", nghĩa khác hẳn nhau.

Rồi 2 câu này nữa ("mây Tần" dùng lần thứ tư):

0907. Đùng đùng gió giục mây Tần,
0908. Một xe trong cõi hồng trần như bay.

Không có chú giải, không dễ gì hiểu nổi.


# "mây  Tần" lần  thứ  nhất:

(0249) mây Tần: sách Thái Bình Ngự Lãm chép: Tần vân như mĩ nhân 秦雲如美人 mây Tần như người đẹp.

Có lẽ phải đọc lại cả đoạn 12 câu, tả cảnh Kim Trọng tương tư Thúy Kiều, thì có thể chấp nhận ý nghĩa 2 chữ "mây Tần" ở đây trỏ vào người đẹp (tức là nàng Kiều):

0241. Hiên tà gác bóng chênh chênh,
0242. Nỗi riêng riêng chạnh tấc riêng một mình.
0243. Cho hay là thói hữu tình,
0244. Đố ai dứt mối tơ mành cho xong.
0245. Chàng Kim từ lại thư song,
0246. Nỗi nàng canh cánh bên lòng biếng khuây.
0247. Sầu đong càng khắc càng đầy,
0248. Ba thu dọn lại một ngày dài ghê.
0249. Mây Tần khóa kín song the,
0250. Bụi hồng liệu nẻo đi về chiêm bao.
0251. Tuần trăng khuyết đĩa dầu hao,
0252. Mặt mơ tưởng mặt lòng ngao ngán lòng.


# "mây  Tần" lần  thứ  hai:

(1239) mưa Sở mây Tần: Tần vân Sở vũ 秦雲楚雨 bốn chữ này mang hơi hướm bài thơ Giang Chiết thượng 江浙上 của Tư Không Đồ 司空圖: Tần vân Sở vũ ám tương hòa 秦雲楚雨暗相和. Hai chữ "mây mưa" gợi đến bài Thần nữ phú 神女賦 của Tống Ngọc 宋玉. Xem thêm chú giải (0513) mây mưa.

cũng phải xem lại cả đoạn (1237-1248) mới hiểu "mây Tần" ở đây gợi ra từ 2 chữ "mây mưa" (Tần vân Sở vũ).

1237. Mặt sao dày gió dạn sương,
1238. Thân sao bướm chán ong chường bấy thân?
1239. Mặc người mưa Sở mây Tần,
1240. Những mình nào biết có xuân là gì.
1241. Đòi phen gió tựa hoa kề,
1242. Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu.
1243. Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
1244. Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.
1245. Đòi phen nét vẽ câu thơ,
1246. Cung cầm trong nguyệt nước cờ dưới hoa,
1247. Vui là vui gượng kẻo là,
1248. Ai tri âm đó mặn mà với ai?


# "mây  Tần" lần thứ ba:

2235. Đoái thương muôn dặm tử phần,
2236. Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa.

xem chú giải:

(2236) mây Tần: Hàn Dũ 韓愈: Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại, Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền 雲橫秦嶺家何在, 雪擁藍關馬不前 (Tả thiên chí Lam Quan thị điệt tôn Tương 左遷至藍關示姪孫湘) Mây giăng ngang đỉnh núi Tần, nhà ta ở nơi đâu, Tuyết phủ kín cửa ải Lam, ngựa không đi tới nữa. Ghi chú: Kiều nhớ quê hương (câu 2235-2236).

Đọc chú giải (2236) và 2 câu này (2235-2236) cũng đủ rõ nghĩa "mây Tần" chỉ quê hương.

Nhưng đọc lại cả đoạn lại càng thấm thía hơn nữa.

Chỗ này, Kiều đang ngóng trông Từ Hải đang còn "bay bổng tuyệt vời", để cho Kiều "đã mòn con mắt phương trời đăm đăm" (câu 2248). Nhớ quê hương, nhân thể Kiều nhớ luôn đến cha mẹ, đến người tình đầu Kim Trọng, và cô em gái Thúy Vân, — ở nhà thay nàng giữ lời thề non nước ngày xưa —:

2233. Sân rêu chẳng vẽ dấu giày,
2234. Cỏ cao hơn thước liễu gầy vài phân.
2235. Đoái thương muôn dặm tử phần,
2236. Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa.
2237. Xót thay huyên cỗi xuân già,
2238. Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi.
2239. Chốc là mười mấy năm trời,
2240. Còn ra khi đã da mồi tóc sương.
2241. Tiếc thay chút nghĩa cũ càng,
2242. Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.
2243. Duyên em dù nối chỉ hồng,
2244. May ra khi đã tay bồng tay mang.


# "mây  Tần" lần thứ tư:

0907. Đùng đùng gió giục mây Tần,
0908. Một xe trong cõi hồng trần như bay.

2 chữ "mây Tần" trong câu 0907, có nhiều bản ghi là "mây vần".

Xem chú giải:

(0907) gió giục mây vần: gió thổi mạnh mây chuyển đi. Hình dung cuộc đi đường vội vàng lật đật. # chữ nôm khắc là "mây Tần" (tần 秦). Tạm ghi âm đọc là "mây vần" theo nhiều bản nôm phổ biến khác. Khảo dị: có nhiều bản nôm ghi câu này là "gió giục mây Tần". Góp ý: Xem chú giải (2236) mây Tần. Tương tự như trong câu 2236: Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa, có người giải thích câu thơ như sau: Đùng đùng gió giục mây Tần (câu 0907) theo nghĩa Mã Giám sinh đang vội vàng muốn trở về quê mình ở Lâm Tri. Giải thích này cũng có cái lý của nó, theo ý mấy câu thơ của Hàn Dũ đã trích trong chú thích "mây Tần" (câu 2236). Thiển nghĩ theo văn mạch ở đoạn này, giải thích này có chút không ổn thỏa: Mã Giám sinh là một gã chuyên nghề "mua phấn bán hương", — Dạo tìm khắp chợ thì quê, Giả danh hầu hạ dạy nghề ăn chơi (câu 0815-0816) —, mà lại chợt mang lòng nhớ quê lúc đó, e không hợp tình lý. Hơn nữa, 2 câu thơ Đùng đùng gió giục mây vần, Một xe trong cõi hồng trần như bay (câu 0907-0908) chứa đựng những động từ hành động: "gió giục", "mây vần", "như bay". Thay 2 chữ "mây vần" bằng "mây Tần", 2 câu thơ trở thành hụt hẫng.

Theo chú giải này (0907), "mây Tần" (lần thứ tư) chỉ là một bản khác (cf. Khảo dị) của 2 câu thơ:

0907. Đùng đùng gió giục mây vần,
0908. Một xe trong cõi hồng trần như bay.

Gã Mã Giám sinh ở đây, cũng như tất cả những Mã Giám sinh, tất cả những Sở Khanh, Bạc Hạnh thời nay (*01), chẳng như nàng Kiều của chúng ta, mà nhớ thương gì tới quê hương yêu dấu.


DTK
2021-05-10


Chú thích

(*01) 

xem Bạc bà, Bạc Hạnh

https://xem-nom-thuy-kieu.blogspot.com/2021/03/bac-ba-bac-hanh.html

xem cuối năm con chuột lẩy Kiều:

https://xem-nom-thuy-kieu.blogspot.com/2021/02/cuoi-nam-con-chuot-lay-kieu_7.html

xem http://vietnamtudien.org/TruyenKieu/











 

Comments

Popular Posts