Kiều & Mỵ Ánh


Trích: Lê Thị Huệ (Kỷ niệm với Mỵ Ánh, Truyện, Lũy Tre Xanh xuất bản, Hoa Kỳ, California 1987)


lth-kyniemvoimyanh-01.jpg

lth-kyniemvoimyanh-02.jpg


Phương chỉ hỏi thăm về xấp bài chúng tôi soạn chung. Phương và tôi học cùng lớp. Chúng tôi đã dự định thuyết trình chung về một đề tài. Phương phụ trách phần phê bình văn chương và tôi phụ trách phần nội dung tác phẩm.
Ánh đặt xấp bài của chúng tôi lên vạt áo dài vàng. Nàng ngồi xếp bằng trên sàn nhà, dựa lưng vào tường. Đọc một hơi và nói:
— Bạn thương con Kiều ghê. Yêu và hiểu đến thế này cơ à. “Thúy Kiều lặng lẽ thả đời mình vào giòng sông đời lớn trôi xiết của nhân gian. Nàng cúi mình xuống hứng hết những mơ mộng, khốc liệt, đau khổ, hạnh phúc, khoái lạc, cô đơn, sự sống, và nỗi chết của định mệnh một kẻ yêu đời, yêu tha nhân, yêu sông đời cuồn cuộn mời gọi cuộc giao du của nàng…
— Chị Ánh… Phương ngập ngừng nhìn tôi và nói.
— Cứ tự nhiên. Tôi nói.
— Mấy cái tên con trai đàn ông trong Đoạn Trường Tân Thanh đáng vứt đi. Ánh nói. Nhìn xem. Chẳng còn tên nào nên tích sự gì. Mấy tên Sở Khanh, Bạc Hạnh, Mã Giám Sinh, Từ Hải, Kim Trọng, đều đáng mang đổ xuống sông Tiền Đường hết. Một đống đàn ông vậy mà có ai ra tay cứu vớt Thúy Kiều nên chuyện gì đâu. Cái lão Từ Hải hữu dõng vô mưu. Thua cả lòng trắc ẩn của một con đàn bà. Nên mới bị Thúy Kiều bán đứng cho quân địch. Còn Kim Trọng là một tên vô trách nhiệm. Trí thức vô trách nhiệm. Cái gì mà “Tiện đây xin một hai điều. Đài gương soi đến dấu bèo cho chăng!” Trời ơi gì mà rệu rệu như sợi bún thế nào thảo nào trốn mất tích biệt tăm giữa cái lúc con Kiều hoạn nạn…
Khoan đã, Phương ngắt lời Ánh, ý tác giả này nói Thúy Kiều đã tự lần tự mò lấy lối đi. Ở mấy ngả ba ngả tư bồ bịch. Cứu Quan ông Quan bà. Mộng thành ni cô. Nhảy xuống sông Tiền Đường. Mơ màng ở chốn lầu xanh. Cũng tự chính Thúy Kiều đứng ở đấy. Đâu ai xúi bẩy. Đâu ai xô cô nàng vào những lối đoạn trường ấy đâu.
Ánh quẳng xấp bài lên sàn nhà, và nói:
— Phải thương cảm cho nó. Nó là một con đàn bà nhẹ lòng nhẹ dạ. Đàn bà con gái ai mà chả nhẹ lòng nhẹ dạ. Đời hấp dẫn. Nhẹ là phải rồi. Tôi hỏi quý vị ở đây người nào tự nhận là mình không có những lúc nhẹ lòng.

§§§


lời bàn của blogger

"Kỷ niệm với Mỵ Ánh" là một tiểu thuyết "hư cấu lập thể".
Đề tài chính: biến cố lịch sử 30 Tháng Tư 1975.

Lồng vào trong đó, những mảnh đời, — đặc biệt của Mỵ Ánh, nhìn dưới mắt người xưng "tôi" trong truyện, — một "fictional character".

Ba nhân vật  có mặt trong đoạn trích trên đây: "tôi", cô Phương và Mỵ Ánh. Họ là ba người bạn, sinh viên Văn khoa Đại học Đà Lạt, đang chuẩn bị thi mãn khóa, lúc đó vào khoảng trước sau biến cố tháng Tư 1975.

Đọc bao nhiêu trang bình giảng, khảo cứu, phiếm luận, bàn loạn... về Truyện Kiều, từ xưa tới nay, lần thứ nhất được mấy câu ào ào như gió thế này:

0121. Ào ào đổ lộc rung cây...

Một điều bất ngờ, trong lời phán của mình về "những người đàn ông" trong Truyện Kiều: Mỵ Ánh không nhắc đến Thúc sinh.

Vụt nhớ đến những bài thơ vịnh Kiều của Hoàng Hải Thủy (1), — réo rắt như những khúc đoạn trường, trong những năm tù đày cải tạo của ông sau 1975. Chủ yếu về nhân vật Thúc sinh.

0121. Ào ào đổ lộc rung cây,
0122. Ở trong dường có hương bay ít nhiều.

Xưa nay các nhà nghiên cứu Truyện Kiêu, thế nào ít nhất cũng theo nhau nói mãi về hai câu đầu hoặc mấy câu cuối tập thơ. Rồi tâm sự hoài Lê của Nguyễn Du, triết lý Phật học trong Truyện Kiều, vành ngoài vành trong, vân vân và vân vân.

0001. Trăm năm trong cõi người ta,
0002. Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
(...)
3249. Đã mang lấy nghiệp vào thân,
3250. Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
3251. Thiện căn ở tại lòng ta,
3252. Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
3253. Lời quê chắp nhặt dông dài,
3254. Mua vui cũng được một vài trống canh.

Nếu là một cuốn phim, Truyện Kiều hẳn là một phim hành động (film d'action).

0907. Đùng đùng gió giục mây vần,
0908. Một xe trong cõi hồng trần như bay.

Đây không đơn thuần miêu tả chuyến đi của Kiều theo Mã Giám sinh tới lầu xanh của Tú bà ở Lâm Tri.

Há không phải là lời báo trước cho Kiều, cho mỗi một con người, — cuộc lữ chốn Bụi hồng.


chú thích






Comments

Popular Posts