KIỀU VÀ TIẾNG ĐÀN BÊN SÔNG

 Tác giả: Thi Vũ (1935-2023)


Khi sắc màu tương ứng, mỹ miều, bóng hình sẽ hiện ra như thật.

Có ai thấy Kiều đâu. Chẳng ai vẽ chân dung Kiều. Kiều sống lăn lóc qua những trang tiểu thuyết thời Minh bên Tàu năm thế kỷ trước, sang thế kỷ 18 một Thi hào Việt vẽ Kiều bằng chữ, dài mấy nghìn câu. Mãi tới thế kỷ 20 nhiều Danh hoạ Việt mới phác thảo Kiều lên màn tranh qua những cặp mắt ước lệ, những Nguyễn Văn Tỵ, Lê Văn Đệ, Tôn Thất Đào, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Phạm Hầu, Nguyễn Tường Lân, Lưu Văn Sìn, Mai Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Phổ…

Đến thế kỷ 21, Hoạ sĩ Nguyễn Quỳnh ra công đưa Kiều triều ngự giữa lòng màu.

tranh Nguyễn Quỳnh


Toàn tranh nâu sẫm, tượng trưng cho bóng tối.

Từ sâu thẳm tối tăm ấy, một tia sáng lọt qua khe hỡ cột nhà chiếu xuống. Lộ bóng hình Kiều. Áo mặc phong phanh nhưng thanh tao, đài các. Thứ áo rộng các quận chúa thuở nào, nay được người Hoạ sĩ tân trang qua chiếc cọ tài hoa.

Yếm Kiều hồng thắm ngực người phụ nữ Việt tự hãnh. Chiếc áo theo tia sáng dội xuống nền đất những mảnh hồng xiêm y.

Kiều ngồi tự tại. Mắt nhắm.

Mắt nhắm khi người vất xuống tim mình bao ưu tư, suy nghĩ. Mắt nhắm của buồn lo thế sự. Mắt nhắm như muốn xuôi tay. Nhưng cũng là mắt nhắm lìa đời, khép lại vĩnh viễn tấm cửa trần gian.

Không như thế với Kiều. Kiều nhắm mắt tĩnh lặng, nhờ cuối chặng mười lăm năm trôi nổi, Kiều thoắt mở to đôi mắt vào thức thứ Tám (alaya), nơi trông chờ, nhưng chẳng thấy, của hàng tỉ người trên mặt đất. Kiều thoa vuốt trong vòng tay cây Đàn Nguyệt. Trên cây đàn một dãy mười lăm hũ. Những chiếc hũ đắng cay ? hờn tủi ? yêu đương ? hạnh phúc ? nổi trôi bèo bọt ?

Thoạt chiếc hũ cuối nổ tung như một lời phủ quyết. Không chấp chứa nữa những trầm luân. Viên đá nổ tung. Chẳng ai từ ngoài ném vào. Nó tự bên trong bắn ra. Nó là nội lực của một đời hư hao, nay tự mình cởi trói.

Nội lực bên trong Kiều đầy khí phách và thách thức với dãy mười lăm hũ địa ngục. Người phụ nữ bị lăng nhục. Kiều ngồi dậy. Phủi tay. Kiều tự tại nhắm mắt. Cái khép mắt của tự do và giải phóng.

Tựa đề đoản văn ghi Kiều và Tiếng đàn bên sông. Nhưng cây Đàn Nguyệt nằm trong vòng tay. Kiều đâu gảy mà ra tiếng ?

Có đấy. Đó là tiếng đàn Kiều gảy, dội về từ vô thuỷ. Nhạc của trời. Siêu âm trong thế giới đa chiều. Những ai tri âm tri kỷ đều đã và sẽ nghe.

Tiếng đàn ấy Hoạ sĩ vẽ bằng sợi chỉ âm thanh xuyên trên đầu mười lăm hũ quá khứ, xuyên suốt từ bờ tranh này sang tận lòng tranh bên kia để chuyển hoá thành âm ba sông.

Sông Tiền Đường ?

Không. Kiều đã gửi trả định mệnh về địa chí Tiền Đường. Sông hoá thành âm ba — tiếng sóng — thu hẹp vào hình tam giác lao về phía tương lai. Tam giác của những Kim Tự tháp cổ Ai Cập. Hoạ sĩ Nguyễn Quỳnh cho biết anh đã ngồi quan sát năm tiếng đồng hồ giòng Hudson ở New York để vẽ ra quãng sông.

Danh hoạ Eugène Delacroix từng nói « Ảo ảnh là những chi thực nhất trong tôi. Thế là tôi sáng tạo ». Ai bảo Tiếng đàn bên sông là ảo ảnh của người Hoạ sĩ ? Sao không là hồn Kiều thoát ly thơ và chữ, lộng vào màu dưới cây cọ Nguyễn Quỳnh ?

Trên tranh Nguyễn Quỳnh Đông Tây gặp nhau. Anh vốn yêu chuộng, theo đòi kỹ thuật hoạ phương Tây. Người mẫu của anh là Danh hoạ Paul Klee. Thế nhưng tranh anh không chút hơi hướm, dấu vết Klee. Anh chỉ dùng kỹ thuật phương Tây làm áo khoác cho hồn linh Đông phương sống dậy bừng bừng không gian tranh.

Nghệ thuật xích lại gần nhau những bến bờ hiu quạnh.

THI VŨ
Paris, Giáp Tết Quý Mão, 16.1.2023


Ghi chú:

NGUYỄN QUỲNH, Hoạ sĩ Việt Nam duy nhất có tranh trong sưu tập thường trực Viện Bảo Tàng Guggenheim ở New York City. Ông là người sáng lập Hội Hoạ sĩ Trẻ Việt Nam ở Saigon năm 1960.
Sau năm 1975, ông và gia đình sang định cư ở New York, rồi dời về San Antonio, Texas. Ngoài hội hoạ, ông còn là Giáo sư ngành Triết, Lịch sử Mỹ thuật, Giáo dục Mỹ thuật tại các Đại học San Antonio College; St Phillip's College; The University of Texas at San Antonio (UTSA); Texas Lutheran University, Seguin,(TLU); The Univerity of Texas at El Paso (UTEP), và Towson University, Maryland. Nguyễn Quỳnh cũng là dịch giả bộ sách của Triết gia Ludwig Wittgenstein, Tractatus Logico-Philosiphicus (Cương lĩnh Luận lý và Phê bình Triết học).


nguồn: gio-o.com

Comments

Popular Posts