Tú Duyên minh họa Truyện Kiều


Một trong những minh họa Truyện Kiều ý vị nhất, có lẽ là bức tranh dưới đây của Tú Duyên (1915-2012):


tranh Tú Duyên (1915-2012)


Bức tranh minh họa một đoạn ngắn trong Truyện Kiều, gồm mấy lời đối đáp giữa Kiều và Từ Hải, khi hai người gặp nhau lần đầu ở châu Thai.

Hãy để ý: thế đứng của Từ Hải, chân gác ghế, tay chống cằm, mắt miệng cười hóm hỉnh; nàng Kiều vẫn còn thấp thoáng sau màn, tay xòe rộng quạt, môi chúm chím, mắt nghiêng thành.

Rồi nhẩn nha đọc thơ Nguyễn Du:


trang: 183 [2185-2196] (*)

2185. Nàng rằng: Người dạy quá lời,
2186. Thân này còn dám coi ai là thường.
2187. Đốt than chọn đá thử vàng,
2188. Biết đâu mà gởi can tràng vào đâu?
2189. Còn như vào trước ra sau,
2190. Ai cho kén chọn vàng thau tại mình.
2191. Từ rằng: Lời nói hữu tình,
2192. Khiến người lại nhớ câu Bình Nguyên Quân.
2193. Lại đây xem lại cho gần,
2194. Phỏng tin được một vài phần hay không?
2195. Thưa rằng: Lượng cả bao dung,
2196. Tấn Dương được thấy mây rồng có phen.


Không biết các độc giả Truyện Kiều xưa nay nghĩ sao. Riêng người viết hồi học lớp đệ Tứ (lớp 9 bây giờ) bị bắt học Truyện Kiều, thấy ngán như ăn cơm nếp nát. Và chẳng nhớ chút gì về đoạn này.

Vả lại, dù bây giờ đọc đến, nếu không chú ý và nếu không có người giảng giải một chút, thì chắc chỉ cũng như mấy ông mới đậu tiến sĩ thời xưa, — được vua cho cưỡi ngựa xem hoa ở vườn Hạnh Viên (Trường An), nghĩa là chẳng thấy gì ráo trọi.

Bởi vậy, hôm nay mới cặm cụi tìm tòi một chút, bàn bạc cho vui một thể.


Đặng Thế Kiệt
2021 mars 18




Thưởng thức

Mấy lời đối đáp của Thúy Kiều với Từ Hải trong đoạn này rất thú vị. Cho thấy Kiều ở đây quả là một nữ lưu không những đầy kiến thức mà đánh đòn tâm lí cũng vô cùng khéo léo.

Thảo nào anh hùng Từ Hải không khỏi "mê mệt khoái chí" từ ngay buổi đầu gặp gỡ.


Chú giải

(2185) nàng rằng người dạy quá lời: lời nhũn nhặn của nàng Kiều.

(2186) thân này còn dám coi ai là thường: (lược ngữ) tôi ở đây chỉ là một thân gái lầu xanh, dám đâu coi thường người nào.

(2187) chọn đá thử vàng: chọn đá thử vàng tốt xấu, ý nói kén chọn ngườt tốt.

(2188) can tràng: gan ruột; nghĩa bóng: tấm lòng thật của mình.

(2190) kén chọn vàng thau: (lược ngữ) kén chọn giữa vàng và thau. Vàng là loài kim quý; thau là loài kim hạng thường.

(2191) hữu tình: 有情 có nhiều nghĩa: (1) có tình cảm; (2) có tình bạn bè, tình giao hảo; (3) tình luyến ái giữa nam nữ; (4) có tình thú, ý vị, hay. (5) (thuật ngữ Phật giáo) chúng sinh, chỉ người và tất cả các động vật có tình thức sinh mệnh (tiếng Phạm: sattva). Ghi chú: cả câu 2191 Từ Hải ý nói mấy lời của Kiều rất hay, đầy ý vị và tình tứ.

(2192) câu Bình Nguyên Quân: Từ Hải khen Kiều giỏi hơn Bình Nguyên Quân, chỉ xem mình chốc lát mà biết ngay mình là anh hùng, mà muốn gửi can tràng (theo Đàm Duy Tạo). ===> Cao Thích 高適 (702-765): Vị tri can đảm hướng thùy thị, Lệnh nhân khước ức Bình Nguyên Quân 未知肝膽向誰是,令人卻憶平原君 (Hàm Đan thiếu niên hành 邯鄲少年行) "Chưa hay gan ruột cùng ai tỏ, Khiến người lại nhớ Bình Nguyên Quân" (Cao Tự Thanh dịch). Sự tích câu nói của Bình Nguyên Quân như sau: Bình Nguyên Quân tên là Triệu Thắng, là em vua Triệu, lại là Tướng Quốc nước Triệu. Lúc nào trong nhà cũng nuôi ba nghìn người khách. Gặp khi quân Tần vây đánh kinh đô Hàm Đan nước Triệu rất nguy cấp, ông phải đi sang cầu cứu nước Sở. (...) Có người khách vào hạng kém nhất xin đi theo, ông hỏi tên gì và đến ở đây từ bao giờ? Người đó nói tên là Mao Toại và đến đây đã được ba năm rồi. Ông cười nói: Người giỏi ở đời như cái dùi nhọn để trong túi, thế nào cũng phải hở mũi nhọn ra. Nay tiên sinh ở nhà tôi đã ba năm, mà tôi không được nghe chút tài nào của tiên sinh, đủ biết tiên sinh văn võ đều kém cả. Toại nói: Bây giờ tôi mới xin vào trong túi, nếu được vào túi, thì tôi sẽ hở cả chuôi ra chứ đâu chỉ hở có mũi nhọn! Ông thấy Toại nói lời lạ, mới đành cho đi cho đủ số. Khi sang tới nước Sở, Bình Nguyên Quân ngồi ở trên bàn với Sở Vương xin liên kết hai nước Sở Triệu để chống Tần, nhưng Sở Vương sợ Tần, tìm lời từ chối mãi. Mao Toại chống gươm bước lên bực thềm hỏi Bình Nguyên Quân: Việc liên kết này tôi tưởng chỉ nói vài lời là xong, sao mà bàn từ sáng đến trưa rồi vẫn chưa quyết định được? Vua Sở mắng là sao dám lên léo nhéo nói leo, và quát thét đuổi xuống. Toại tiến gần Sở Vương nói: Việc liên kết hai nước là việc to, ai cũng có quyền bàn đến. Sao Đại Vương dám thét đuổi tôi trước mặt vua tôi? Rồi Toại kể cho Sở Vương nghe mọi lẽ Sở rất cần phải liên kết với Triệu. Chỉ vì Sở trước bỏ Triệu mà bị Tần đánh thua nhục nhiều phen. Nay Sở cần phải liên kết với Triệu để rửa những nhục đó. Sở Vương liền xin đoàn kết và làm lễ uống máu ăn thề, rồi sai tướng mang quân sang cứu. Đây là lời than của Bình Nguyên Quân khi về nước: “Ba tấc lưỡi của Mao tiên sinh mạnh hơn trăm vạn quân. Thắng này xem người đã nhiều mà bỏ rơi mất Mao tiên sinh. Từ nay về sau, Thắng không dám xem ai trong thiên hạ nữa!”

(2195) lượng cả: độ lượng rộng lớn.

(2196) Tấn Dương được thấy mây rồng: do câu "long phi Tấn Dương" 龍飛晉陽 rồng bay ở Tấn Dương. ===> Điển cố: Vua Đường Cao Tổ 唐高祖 lên ngôi ở Tấn Dương (năm 618), Tôn Phục Già thướng biểu tán dự: Long phi Tấn Dương, viễn cận hưởng ứng 孫伏伽上表讚譽: 龍飛晉陽, 遠近響應 (Thông giám kỉ sự bổn mạt 通鑑紀事本末) Tôn Phục Già dâng biểu ca tụng: (Nhà vua như) rồng bay ở Tấn Dương, xa gần hưởng ứng.


Tham khảo

(*) http://vietnamtudien.org/TruyenKieu/











Comments

Popular Posts