cõi lòng của tất cả sợi tơ, cỗi nguồn của tất cả tư tưởng, thi ca và triết học: nhớ và tưởng

tác giả: Phạm Công Thiện (1941-2011)


Bởi lòng tạc đá ghi vàng

«Tạc đá ghi vàng» nằm trong cái Nhớ chính yếu, cái Nhớ uyên nguyên, đó là cõi lòng, cỗi nguồn của tất cả sợi Tơ, đó là suối nguồn khởi phát ra tất cả cái tưởngCái Lòng là cái Hố Thẳm không đáy (Abgrund, Ab-Grund) nuôi dưỡng tất cả mầm mống, tất cả những sợi tơ mỏng manh nhất, tất cả chủng tử để lục hiện hành thành ra tưởngkiến, và tất cả sự chuyển vần giao lưu giữa năng và sở trong tấn bi hài kịch ngàn đời của tâm thức con người.

Cái thấy nàng về đây của Kim Trọng ở đoạn thơ trên không phải là vọng tưởng và không phải là hậu quả bệnh hoạn của ảo giácảo ảnh (hay ảo tượng); đó là một cái kiến, mặc dù chưa cao vót siêu việt giống như Kiến Như Thực, nhưng đã xa lìa vọng tưởng và đang thể nhập vào lòng giả tưởng theo nghĩa thuật ngữ của Phật giáo. Mặc dù gọi là «giả tưởng» nhưng cái giả tưởng này lại thực hơn tất cả những cái tưởng thực tế cụ thể hằng ngày. Cái giả tưởng của Kim Trọng ở đây đã khởi phát từ lòng tạc đá ghi vàng, lòng tinh thành chung thủy sắt son cực độ. Từ lòng tinh thành và tín thành cực điểm, trong veo, trong sạch trọn vẹn, cái tưởng của Kim Trọng đã được tập trung đến chỗ thần diệu đến nỗi Thúy Kiều trở thành như một thiên hành tiên 天行仙 (như dakini trong Phật giáo Mật tông Tây Tạng) bay lượn xuất hiện đột ngột trước mặt Kim Trọng: Thúy Kiều đã xuất hiện thực sự trước mặt Kim Trọng trong đoạn thơ vừa dẫn.

Không có tưởng thì mình chẳng thấy gì cả, cái tưởng càng mãnh liệt thì muốn thấy gì sẽ thấy ngay lập tức, và cái gì chiếu hiện ra đó chính là thực hữu, chứ không phải vọng hữu, cái hiện hữu sai lạc của thế giới thực tại và thực tiễn cụ thể. Kim Trọng còn đang ở giữa giả hữu và lân la đứng ngồi ngoài nơi ngưỡng cửa của thực hữu; cái tưởng được tập trung đến cực điểm, vừa mới lắng xuống nhẹ nhàng thì cái thấy vụt tới liền lập tức. Nếu Kim Trọng được đẩy mạnh sâu hơn nữa trong sự tập trung cái tưởng đến mức độ bặt dứt luôn tầmtứ thì Kim Trọng sẽ lạc vào cõi Thiên Thai, cõi chư tiên nữ, cõi chư thiên…

Tưởng nàng nên lại thấy nàng về đây

Chính cái tưởng trên đã dẫn Kim Trọng trở về gặp gỡ lại Thúy Kiều bằng xương bằng thịt; đó là cái mầm mống (cái «nhất lạp linh tâm») khai mở sự tái hợp trùng phùng sau này. Vì đã thấy nàng về trong nội nhãn, thần nhãn và tâm nhãn cho nên mới có khả năng thấy nàng hiện ra bên ngoài. Rồi từ cái thấy nàng hiện ra trong nỗi cô độc lớn lao nhất của đời người («có khi vắng vẻ thư phòng…») cho nên sau này mới có thể tìm gặp lại được con người bằng xương bằng thịt của Thúy Kiều.

Cái khí cốt và cái thần khí siêu việt của thiên tài Nguyễn Du là như thế, thổi một hơi thở thơ mộng, thơm ngát, trong trẻo vào trong cái thể phách của Thúy Kiều, một cô gái bạc mệnh đã sống và chết ở thời Gia Tĩnh triều Minh (1522-1566) bên Tàu, làm cho cô sống lại một cách thần diệu, và trở thành cô gái Việt Nam vẹn toàn và nói tiếng Việt Nam một cách tuyệt diệu, lại còn thơ mộng «thiên hương» gấp trăm ngàn lần tiền kiếp ngày xưa, với tất cả sinh khí, thần khí và tinh khí diệu thường, độc nhất vô nhị trong toàn thể lịch sử văn chương nhân loại.

Rồi từ đó «tiếng kiều đồng vọng bóng xiêm mơ màng»  vẫn liên tục trở về nuôi dưỡng tràn trề tinh thần và tâm hồn của cả một dân tộc từ mấy trăm năm nay và vẫn sẽ tiếp tục «tạc đá ghi vàng» đời đời kiếp kiếp cho đến lúc nào tiếng nói Việt Nam vẫn còn đồng vọng mơ màng trong đêm tối linh hiện của Cỗi Nguồn bí ẩn trong Lòng Quê Hương giữa những sợi tơ mong manh nhất của Thi Ca và Triết Lý Dân Tộc.

Kim Trọng đã nhìn thấy Thúy Kiều trở về lại, còn chúng ta? Chúng ta có bao giờ nhìn thấy Thúy Kiều trở về lại trong lòng mình? Dù thoáng nhẹ qua một sợi tơ? Đó là chưa nói đến việc nhìn ra Thúy Kiều hiện ra trước mắt một cách hiển hiện thực sự trong đời sống hiện tại… Nếu chúng ta không nhìn thấy Thúy Kiều trở về đây thì chúng ta không bao giờ hiểu thấu tinh thần dân tộc và chẳng bao giờ cảm nhận được tất cả tinh anh linh hiện của một thiên tài, một đại thi hào lạ lùng nhất của dân tộc.


PHẠM CÔNG THIỆN

Cuối Hè, 1996




Tái bút:

Goethe (1749-1832), đại thi hào Đức, sinh trước Nguyễn Du 16 năm và chết sau Nguyễn Du 12 năm, để lại hậu thế một trong những bài thơ lãng đãng nhất:

«Dù em có tự mình lẩn trốn vướng vít trong thiên hình (vạn trạng), dù thế, hỡi người em yêu dấu nhất, tôi vẫn nhận ra nhìn thấy em liền ngay lập tức; dù em có tự mình phủ che giấu kín trong cả ngàn mảnh màn huyền hoặc ảo hóa, dù thế, lúc nào em cũng luôn luôn mãi mãi lộ hình hiện tại thiên thu, tôi vẫn nhận ra tìm thấy em ngay liền trong thoáng chốc.»:

In tausend Formen magst du dich verstecken,

Doch, Allerliebste, gleich erkenn ich dich;

Du magst mit Zauberschleiern dich bedecken,

Allgegenwärtge, gleich erkenn ich dich.

Mỗi người trong chúng ta phải nhìn thấy Thúy Kiều như vậy… thì mới chợt nhận ra (trong thoáng chốc) tất cả bí ẩn uyên mặc của Nguyễn Du.


Trích: Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc, trang 443-447, Viện Triết Lý Việt Nam và Triết Học Thế Giới, California USA, 1996.




Tham khảo

In tausend Formen magst du dich verstecken,
Doch, Allerliebste, gleich erkenn ich dich;
Du magst mit Zauberschleiern dich bedecken,
Allgegenwärt'ge, gleich erkenn ich dich.

An der Zypresse reinstem jungem Streben,
Allschöngewachsne, gleich erkenn ich dich. 
In des Kanales reinem Wellenleben,
Allschmeichelhafte, wohl erkenn ich dich. 

Wenn steigend sich der Wasserstrahl entfaltet,
Allspielende, wie froh erkenn ich dich! 
Wenn Wolke sich gestaltend umgestaltet,
Allmannigfaltge, dort erkenn ich dich. 

An des geblümten Schleiers Wiesenteppich,
Allbuntbesternte, schön erkenn ich dich;
Und greift umher ein tausendarmger Eppich,
O Allumklammernde, da kenn ich dich. 

Wenn am Gebirg der Morgen sich entzündet,
Gleich, Allerheiternde, begrüß ich dich,
Dann über mir der Himmel rein sich ründet,
Allherzerweiternde, dann atm' ich dich. 

Was ich mit äußerm Sinn, mit innerm kenne,
Du Allbelehrende, kenn ich durch dich;
Und wenn ich Allahs Namenhundert nenne,
Mit jedem klingt ein Name nach für dich.

https://www.lieder.net/lieder/get_text.html?TextId=6629


English translation

 In a thousand different forms you may hide yourself,
 but all the same, my best-beloved, I will recognize you;
 you may shroud yourself with magic veils
 but all the same, my ubiquitous one, I will recognize you.
 
 In the cypress's undefiled, youthful striving,
 all the same, my ever-growing beauty, I will recognize you.
 In the canal's pristine and lively ripples,
 my ever-complimented one, well do I recognize you.
 
 When a spurt of water ascends and unfolds,
 my playful one, how merrily I will recognize you!
 When a cloud forms itself into a new shape,
 my many-splendoured one, I will recognize you there.
 
 In the blossoming, misty carpet of meadow,
 my colorful, starry one, I will recognize your beauty;
 And if a thousand-armed ivy spreads out its grasp,
 o, all-clasping one, I will know you there.
 
 When the morning blazes up beside the mountains,
 at once, my cheerful one, I will greet you;
 then over me the sky will bend into a pure dome,
 my ever-widening heart, then I will breathe you in.
 
 What I know with my outer and inner senses,
 I know through you, my teacher;
 And when I call Allah's hundred names,
 with every one, a name resounds for you. 

https://www.lieder.net/lieder/get_text.html?TextId=6630





Comments

Popular Posts