kẻ ở

 

Trong Truyện Kiều không biết có bao nhiêu lần nói đến những cuộc chia ly.

Như 2 câu này chẳng hạn:

0781Đau lòng kẻ ở người đi,
0782Lệ rơi thấm đá tơ chia rũ tằm.

Đây là đoạn tả Kiều vừa bán mình để chuộc tội cho cha, bọn Mã Giám sinh đem kiệu hoa chuẩn bị đưa nàng đi Lâm Tri.

Kẻ ở là những người thân của Kiều, không rõ có những ai: hai ông bà Vương viên ngoại, Thúy Vân, Vương Quan... có lẽ.

Người đi là Vương Thúy Kiều.

Ai là người khóc nhiều thế? Nước mắt rơi ướt cả bậc đá trên đường.

Ai mà đau lòng thế? Như những con tằm nhả tơ từ trong ruột ra, cả thân mình rũ liệt.

Khi làm bài thơ "Kẻ ở", không biết Quang Dũng có liên tưởng đến 2 câu thơ trên của Nguyễn Du?

Cái nhan đề bài thơ Quang Dũng nghe rất lạ, mà xưa không bao giờ để ý. Nó nằm giữa câu thơ 6 chữ dòng 0781 trong Truyện Kiều.

Quang Dũng không dùng 2 chữ "người đi", nhưng cả bài thơ chỉ là lời của người đi.

Ở câu thứ 2 trong bài "Kẻ ở", Quang Dũng nói tới "đường đi":

"Đường đi không gió lòng sao lạnh"...

Tiếp theo cho tới cuối bài (16 câu cả thảy), là những nỗi niềm của "người đi" gửi lại cho "kẻ ở".

Tới câu cuối cùng thì nước mắt mới tuôn trào:

"Buồn dâng đôi mi hàng lại hàng."

Nghe Hoàng Hương Trang ngâm bài thơ "Kẻ ở" của Quang Dũng, không khỏi nghĩ tới 2 câu lục bát cô đọng của Nguyễn Du.


Thơ Quang Dũng, bài Kẻ ở:


Mai chị về em gửi gì không?

Mai chị về nhớ má em hồng

Đường đi không gió lòng sao lạnh 

Bụi vướng ngang đầu mong nhớ mong. 

Quê chị về xa tít dặm xa

Rừng thu chiều xao xác canh gà

Hoa rơi khắp lối sương muôn ngã

Ngựa lạc rừng hoang qua lướt qua.

Ngựa chị dừng bên thác trong veo

Lòng chị buồn khi nắng qua đèo

Nơi đây lá giạt vương chân ngựa

Hươu chạy quay đầu theo ngó theo.

Rừng đêm nhòa bóng nhớ hoang mang

Ngựa chị dừng bên thác trăng vàng

Sao rơi đáy nước vương chân ngựa

Buồn dâng đôi mi hàng lại hàng. 







Tham khảo:

http://www.vanlangsj.org/TruyenKieu/

http://vietnamtudien.org/TruyenKieu/















Comments

Popular Posts