phím đàn dìu dặt tay tiên
3197. Phím đàn dìu dặt tay tiên,
3198. Khói trầm cao thấp tiếng huyền gần xa.
3199. Khúc đâu đầm ấm dương hòa,
3200. Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh.
3201. Khúc đâu êm ái xuân tình,
3202. Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên?
3203. Trong sao châu nhỏ duềnh quyên,
3204. Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông.
Tám câu thơ mô tả bản đàn nàng Kiều gảy cho Kim Trọng nghe trong đêm động phòng hoa chúc lạ lùng nhất trần gian.
Đây là bản đàn thứ tám trong tám lần Kiều gảy đàn trong tập Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du.
Từ mấy ngày đầu năm, từ lúc định viết gì đó gọi là khai bút đầu xuân, rồi đến ngày Lễ Hội Tình Yêu Valentine's Day (người Tàu dịch là Tình Nhân Tiết 情人節). Mấy câu thơ này làm tôi ăn ngủ không yên.
Cẩm sắt
Cẩm sắt vô đoan ngũ thập huyền,
Nhất huyền nhất trụ tứ hoa niên.
Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp,
Vọng đế xuân tâm thác đỗ quyên.
Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ,
Lam Điền nhật noãn ngọc sinh yên.
Thử tình khả đãi thành truy ức,
Chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên.
Xin chép lại dưới đây vài chú giải trong http://vietnamtudien.org/TruyenKieu/ giúp người đọc hiểu thêm vài từ ngữ và điển cố:
(3199) dương hòa: 陽和 (1) khí mùa xuân ôn hòa ấm áp; (2) mượn chỉ mùa xuân; (3) ấm áp; ôn noãn; hòa noãn; (4) tỉ dụ vẻ mặt vui hòa. § Trong câu 3199: "dương hòa" nói về "khúc đàn đầm ấm".
(3200) hồ điệp: 胡蝶 con bướm, bươm bướm.
(3200) Trang sinh: tức Trang Tử 莊子, tên là Chu 周. Trang Chu 莊周 nằm mơ thấy mình hóa thành bướm, khi tỉnh mộng, bàng hoàng tự hỏi, không biết mình là người lúc trước mơ thành bướm, hay là bướm bây giờ hóa thành người.
(3201) xuân tình: 春情 (1) cảnh tình mùa xuân, ý hứng ngày xuân; (2) tình yêu thương giữa nam nữ; (3) tình dục; v.v. § Trong câu 3201: "xuân tình" ý nói về "tình yêu giữa Kiều và Kim Trọng" (vừa sống dậy trong lòng Kiều qua tiếng đàn mới trổi).
(3202) Thục đế: 蜀帝 vua Thục tên là Đỗ Vũ. Khi bị mất nước, hồn hóa làm chim đỗ quyên (tức là con chim quốc), thường kêu "quốc quốc", tỏ lòng thương nhớ nước không nguôi.
(3202) đỗ quyên: 杜鵑 còn gọi là chim quốc.
(3203) duềnh quyên: vũng nước sáng đẹp hoặc có ánh trăng soi.
(3204) Lam Điền: 藍田 tên núi, ở huyện Lam Điền, tỉnh Thiểm Tây, nơi sinh ra nhiều ngọc đẹp.
(3204) đông: mới tạo thành (nói về ngọc). § Diễn dịch 6 câu 3199-3204: mượn ý ở bài thơ Cẩm sắt 錦瑟 của Lí Thương Ẩn 李商隱 (813-858): Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp, Vọng đế xuân tâm thác đỗ quyên. Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ, Lam Điền nhật noãn ngọc sinh yên 莊生曉夢迷蝴蝶, 望帝春心託杜鵑. 滄海月明珠有淚, 藍田日暖玉生煙 Trang Chu buổi sáng nằm mộng, không biết mình vừa hóa thành bướm hay bướm hóa thành người là mình đây. Tấm lòng thương nhớ nước cũ của vua Thục gửi vào trong tiếng kêu khắc khoải của con chim quốc. Ánh trăng sáng chiếu trên biển xanh, hạt châu như nhỏ nước mắt; những viên ngọc vừa tạo thành ở núi Lam Điền ngày ấm áp bốc khói dâng lên.
Thử so sánh 8 câu thơ của Nguyễn Du miêu tả tiếng đàn của Kiều ở đây và đoạn văn xuôi tương ứng trong nguyên tác của Thanh Tâm Tài Nhân (Kim Vân Kiều truyện, Hồi 20):
Nhân khinh di ngọc chẩn, vi bát băng huyền, tín thủ thành âm, tùy tâm tác khúc. Sơ tào tào, tiệm đạp đạp. Chuyển nhất điệu, hốt nhĩ dung dung, tế niểu niểu, nhuyễn tiêm tiêm. Túc bán huyền, dũ kinh lịch lịch. Hòa như xuân noãn, hương tự hoa khai, thanh nhược nguyệt minh, kiều như yến vũ. Thính nhất thính nhĩ thông, tư nhất tư tâm túy, tưởng nhất tưởng hồn tiêu, văn nhất văn thần đãng.
Tạm dịch:
Bèn nhẹ vặn trục đàn, khua dây đàn lạnh, theo tay thành tiếng, tùy hứng trong lòng dạo nên khúc nhạc. Ban đầu ầm ầm, dần dần nhịp nhàng. Bỗng chuyển điệu chậm rãi, dìu dặt, êm đềm. Tới lưng bản đàn, càng thêm dào dạt. Ấm áp như hơi xuân, thơm tho tựa hoa nở, vằng vặc như trăng tỏ, uyển chuyển tựa én liệng trời không. Càng nghe càng thích tai, càng ngẫm càng say, hồn phách bay bổng, tâm thần phiếu diễu.
Trộm nghĩ nếu Nguyễn Du chấm dứt Truyện Kiều ở 8 câu thơ này thì hay biết mấy.
Nhưng cũng hiểu Nguyễn Du thời đó khó thoát khỏi ước lệ ngày xưa phải viết thêm đoạn cuối:
3249. Đã mang lấy nghiệp vào thân,
3250. Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
3251. Thiện căn ở tại lòng ta,
3252. Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
3253. Lời quê chắp nhặt dông dài,
3254. Mua vui cũng được một vài trống canh.
3250. Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
3251. Thiện căn ở tại lòng ta,
3252. Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
3253. Lời quê chắp nhặt dông dài,
3254. Mua vui cũng được một vài trống canh.
Đọc 2 câu cuối, tôi không khỏi mỉm cười nhớ tới câu thơ dòng 1316 nàng Kiều tặng cho người tình may mắn nhất Thúc sinh, nhân buối tắm hoa ngày trước:
1309. Buồng the phải buổi thong dong,
1310. Thang lan rủ bức trướng hồng tắm hoa.
1311. Rõ màu trong ngọc trắng ngà,
1312. Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên.
1313. Sinh càng tỏ nét càng khen,
1314. Ngụ tình tay thảo một thiên luật Đường.
1315. Nàng rằng: Vâng biết lòng chàng.
1316. Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu.
"Chàng Thúc sinh" ở đây biết đâu Nguyễn Du chẳng tự thấy là mình.
Nàng Kiều chỉ nhận lời gảy khúc đàn này, tạm gọi là "khúc nhạc đoàn viên" (câu 3197-3204), để đáp lời yêu cầu tha thiết của Kim Trọng:
3193. Nàng rằng: Vì mấy đường tơ,
3194. Lầm người cho đến bây giờ mới thôi.
3195. Ăn năn thì sự đã rồi.
3196. Nể lòng người cũ vâng lời một phen.
Chàng Kim nghe xong:
3205. Lọt tai nghe suốt năm cung,
3206. Tiếng nào là chẳng não nùng xôn xao.
3207. Chàng rằng: Phổ ấy tay nào,
3208. Xưa sao sầu thảm nay sao vui vầy?
Kiều đáp lời:
3211. Nàng rằng: Vì chút hay chơi,
3212. Đoạn trường tiếng ấy hại người bấy lâu.
3213. Một phen tri kỷ cùng nhau,
3214. Cuốn dây từ đấy về sau cũng chừa.
Quyết liệt như Bá Nha đập vỡ cây đàn của mình sau khi Chung Kì chết. Bá Nha chỉ có Chung Kì là bậc tri âm.
Bá Nha 伯牙 giỏi gảy đàn; Chung Tử Kì 鍾子期 giỏi nghe đàn. Khi Bá Nha nghĩ tới núi cao, Tử Kì nói: Chót vót như núi Thái Sơn; khi Bá Nha nghĩ tới nước chảy, Tử Kì nói: Mênh mang như dòng sông (Liệt Tử 列子, Thang vấn 湯問).
Nhưng chàng Kim còn sống sờ sờ ra đó. Bởi cớ chi mà em dứt khoát như thế, hỡi Kiều nhi?
Thưa rằng, lỗi này chẳng phải tại Kim Trọng. Số là trước khi gặp lại Kim Trọng ở am Giác Duyên bên sông Tiền Đường, lòng Thúy Kiều đã dứt khoát:
3107. Từ rày khép cửa phòng thu,
3108. Chẳng tu thì cũng là tu mới là.
Tu Thiền đối với Kiều không phải là nguyên cớ sâu xa.
Chính là lòng Kiều hối hận đã đưa Từ Hải vào bẫy của thượng quan Hồ Tôn Hiến, khiến cho bậc anh hùng phải chết oan:
2528. Thấy Từ còn đứng giữa trời trơ trơ.
2529. Khóc rằng: Trí dũng có thừa,
2530. Bởi nghe lời thiếp đến cơ hội này.
2531. Mặt nào trông thấy nhau đây?
2532. Thà liều sống chết một ngày với nhau.
Thế là Kiều đã có chủ ý tự tử chuộc tội ngay lúc đó rồi.
Trớ trêu thay, ông quan lớn mới thắng trận kia không khỏi mê mẩn trước sắc nước hương trời:
2563. Hồ công nghe nói thương tình,
2564. Truyền cho cảo táng di hình bên sông.
2565. Trong quân mở tiệc hạ công,
2566. Xôn xao tơ trúc hội đồng quân quan.
2567. Bắt nàng thị yến dưới màn,
2568. Dở say lại ép vặn đàn nhật tâu.
2569. Một cung gió tủi mưa sầu,
2570. Bốn cung nhỏ máu năm đầu ngón tay.
2571. Ve ngâm vượn hót nào tày,
2572. Lọt tai Hồ cũng nhăn mày rơi châu.
Kiều 8 lần gảy đàn
1.- cho Kim Trọng nghe trong lần đầu gặp gỡ;
2.- cho Mã Giám sinh nghe khi gã buôn người đến lấy ba trăm lạng bạc của Kiều bán mình chuộc tội cho cha;
3.- khi tiếp khách ở lầu xanh của mụ Tú bà;
4.- cho Thúc Sinh nghe (câu 1298: “Bàn vây điểm nước, đường tơ họa đàn”) một hôm khi gặp Thúc sinh ở lầu xanh;
5.- cho Hoạn thư nghe, khi bà này biết chồng mình là Thúc sinh đã dan díu với Thúy Kiều;
6.- khi Thúc sinh về quê vợ ở Vô Tích, Hoạn thư chẳng những bắt Thúy Kiều dâng rượu để “làm cho nhìn chẳng được nhau”, lại còn bắt nàng đàn cho Thúc Sinh nghe (1855-1856: Cùng trong một tiếng tơ đồng, Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm);
7.- cho Hồ Tôn Hiến nghe trong bữa tiệc khao quân chiến thắng;
8.- cho Kim Trọng nghe khúc nhạc đoàn viên ở đoạn cuối.
Tám lần gảy đàn, như là đánh nhịp cho một tập Đoạn Trường.
Để làm chi vậy?
Thưa để an ủy cho người dân Việt điêu linh non một thế kỷ rồi.
phụ lục
Cà phê buổi sáng thơ Kiều,
Cô nàng họ Hoạn cũng nhiều éo le.
Hà Đông Công Tử (*01) cò ke,
Nằm trong ngục tối thương về Thúc sinh.
Kiều nhi ân oán phân minh,
Buông tay tha bổng cô mình Hoạn thư.
Tiền Đường gieo ngọc trầm chu,
Anh hùng chết đứng đền bù hồn oan.
Nhà nho xưa lắm lời bàn,
Người nay lòng bỗng bàng hoàng Tố Như.
DTK
Montparnasse, 2022-02-08
(*01) Công Tử Hà Đông, tức Hoàng Hải Thủy (1933-2020), tác giả: "Tại ngục vịnh Kiều" https://xem-nom-thuy-kieu.blogspot.com/2020/11/hoang-hai-thuy-vinh-kieu-tai-nguc.html
ed. 2024-02-22
rev. 2024-02-27
Comments
Post a Comment