én liệng lầu không

tác giả: Bình Nguyên Lộc (1914-1987)


Ngày Xuân, đi trên phố Nguyễn Văn Sâm, tới góc phố Phó Đức Chính, ta thấy năm bảy ngôi nhà lầu “kín cổng cao tường”.

Mấy ngôi nhà ấy chỉ là một phần năm của cư xá riêng của họ Hui Bon Hoa. Nhà kiến trúc theo Tây phương nhưng mái lại cong quớt lên ở bốn góc như mái chùa.

Chủ nhà là người Pháp gốc Trung Hoa, nên mới cho Tây Tàu lộn xộn như vậy, hoặc giả đó là công trình của một kiến trúc sư nhảy dù, muốn phối hợp tiện nghi của Tây Phương và vẻ đẹp cổ kính của Trung Hoa, nhưng không đủ khả năng cử hành cuộc hôn nhân quá ư là khó khăn đó, nên nó mới ra như vậy?

Nhưng khách qua đường cứ mê những ngôi nhà ấy như thường vì một chi tiết kia.

Ngôi nhà nào cũng đóng cửa kín mít, từ cửa lớn ở dưới tới cửa sổ trên lầu, khiến toàn thể cư xá mang vẻ hoang phế rất ngậm ngùi.

Không biết bao nhiêu là con én bay liệng ngay dưới các góc mái cong ấy, khiến khách qua đường càng ngậm ngùi hơn khi chợt nhớ đến câu thơ của Nguyễn Du:

Xập xòe én liệng lầu không

Khách nhìn lên thì thấy những tổ chim én màu trắng, mông mốc, đóng dưới dạ các mái cong.

nguồn: https://www.diendantheky.net/2021/02/nguyen-uc-tung-xap-xoe-en-lieng.html

Khách đứng ngắm hàng giờ mà không chán, không phải vì én liệng hay ho đâu mà vì tưởng nhớ đến niềm đau của tác giả truyện Kiều.

Ắt hẳn Nguyễn Du đã quan sát cảnh vật bên Tàu tường tận khi người đi sứ bên ấy, khi người có ý muốn sáng tác truyện Kiều theo một chuyện ngắn của Trung Hoa mà người đã được đọc.

Én không thích làm tổ dưới các mái nhà có người ở, các cửa được mở ra, mà con người cũng không thích đóng cửa nữa. Như vậy Nguyễn Du phải tìm cho ra một ngôi nhà lầu bỏ hoang để xem sao, và chắc người đã bỏ công rất nhiều mới tìm được ngôi nhà đó.

Vì đạo thờ cúng tổ tiên, Tàu và ta rất sợ tuyệt tự. Có hiếm họ cũng cố “lập tự”, tức nuôi con nuôi, nhứt là giai cấp có của, chủ nhơn của những ngôi nhà lầu, thì lầu hoang bên Tàu rất hiếm như buyn - đinh ở Biên Hòa hoặc Mỹ Tho.Ta tin chắc rằng Nguyễn Du đã có bỏ công để làm cái việc đó vì không thể nào tả đúng hơn cảnh “én liệng lầu không” nếu người không thấy cảnh “én liệng lầu không”.

Và người đã bỏ công như vậy, không tả theo tưởng tượng bằng văn sáo, như lối người xưa, là hẳn người muốn làm một áng văn tuyệt tác.

Chỉ có người nào thương mến đề tài lắm, mới quyết tâm lao lực để nâng nó lên đến độ truyệt vời. Thương mến đề tài, hẳn Nguyễn Du đã đau cho số kiếp nàng Kiều, số kiếp người đàn bà dưới thời Gia Tĩnh triều Minh và cả số kiếp đàn bà dưới thời Mãn Thanh mà người đang đi sứ.

Đường Nguyễn Văn Sâm, cư xá họ Hui Bon Hoa, khu phố có khả năng làm sống dậy cả một qúa khứ năm trăm năm! Truyện Kiều có thể là truyện bịa, nhưng quả có vô số cô Kiều dưới thời Gia Tĩnh.

Không có gì gợi nhớ bằng màu sắc, âm thanh, dáng dấp, mà các mái nhà của họ Hui Bon Hoa lại tập trung tất cả những thứ ấy với ngói đóng rêu xanh nõn, với cánh én đen bóng, với tổ én trắng mốc, với những cái thoi đưa qua đưa lại trên không trung, với những cửa sổ lầu khép kín, với ngoài sân

Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giày

Là thành phố mới, Sài Gòn cũng có được vài xó kẹt nên thơ để an ủi những kẻ đứng đường thường phải thất vọng với những ngôi nhà hộp, những ngã tư đường thẳng góc.

Không có sách giáo khoa nào ngợi khen câu thơ trên đây của Nguyễn Du cả. Đó là câu thơ bị chìm mất trong bao nhiêu viên ngọc quý của truyện Kiều. Nhưng có ngắm “én liệng lầu không” ở phố Nguyễn Văn Sâm rồi bỗng thấy văn tài của tác giả “Đoạn trường tân thanh”. Không thể nào tả đúng hơn.

Một đoạn ngắn của một con phố Sài Gòn giúp ta khám phá thêm được một câu thơ hay. Và chính câu thơ hay đó lại giúp ta khám phá được một xó nên thơ của một thành phố tưởng là không có gì đáng chú ý. 


© 2007 gio-o

http://www.gio-o.com


Phụ lục


2749. Xập xòe én liệng lầu không,
2750. Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày.
2751. Cuối tường gai góc mọc đầy,
2752. Đi về này những lối này năm xưa.
2753. Chung quanh lặng ngắt như tờ,
2754. Nỗi niềm tâm sự bây giờ hỏi ai?



http://www.vanlangsj.org/TruyenKieu/



Comments

Popular Posts