rừng phong thu đã nhuốm màu quan san

 

1519. Người lên ngựa kẻ chia bào,
1520. Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.

Đó là 2 câu thơ trong Truyện Kiều mà tôi rất thích từ xưa.

Tôi cũng thích luôn lời chú giải của Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim, dẫn câu thơ trong vở Tây sương ký 西廂記 của Vương Thực Phủ:

Thu lai thùy nhiễm phong lâm thúy 
秋來誰染楓林翠 

Mùa thu ai đem nhuộm mất cái màu xanh của rừng cây phong.

Sau này, xem lại vở kịch do Nhượng Tống dịch:

Rừng phong ai nhuộm đỏ tươi, 
Phải chăng nước mắt của người biệt li?

và tìm thấy nguyên văn chữ Hán của 2 câu thơ trên như sau:

Hiểu lai thùy nhiễm sương lâm túy? 
Tổng thị li nhân lệ 
曉來誰染霜林醉? 總是離人淚 
(Đệ tứ bổn 第四本, Đệ tam chiết)

Có 2 chữ khác biệt so với câu trích dẫn của Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim:

"sương lâm túy" chứ không phải là "phong lâm thúy".

Chữ túy 醉 Nhượng Tống dịch thoát thành "đỏ tươi" (như say rượu) thì cũng đoán ra được.

Nhưng tại sao 2 chữ "sương lâm" 霜林 Nhượng Tống lại dịch là "rừng phong" mới lạ.

Thưa phải tìm đến bài thơ của Đỗ Mục 杜牧 sau đây:

Đình xa tọa ái phong lâm vãn 
Sương diệp hồng ư nhị nguyệt hoa 
停車坐愛楓林晚, 霜葉紅於二月花 (Sơn hành 山行) 
Dừng xe vì yêu thích rừng phong buổi chiều
Lá đẫm sương còn đỏ hơn hoa tháng hai

Do đó mới hiểu tại sao "sương lâm" 霜林 có nghĩa là rừng phong. 

Tạm dịch lại ra văn xuôi hai câu thơ đã dẫn trong Tây sương ký: 

Rừng phong buổi sáng ai nhuộm đỏ như say rượu, 
Đều là nước mắt của người biệt li

Và bây giờ mới thấy Nhượng Tống dịch thơ tuyệt vời: 

Rừng phong ai nhuộm đỏ tươi, 
Phải chăng nước mắt của người biệt li? 

Riêng trong trường hợp hai chữ "rừng phong" này, tôi tò mò tìm xem các nhà chú giải khác đã viết ra sao. 

Điều khá bất ngờ là cả 2 nhà chú giải có uy tín (sau Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim) là Nguyễn Văn Anh và Đàm Duy Tạo lại vẫn dùng đúng theo câu thơ chữ Hán do Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim trích dẫn (không có trong Tây sương ký).

Mỗi người chỉ dịch khác đi một chút (khó khăn ở chữ túy 醉 viết sai thành chữ thúy 翠):

Nguyễn Văn Anh: (1520) rừng phong: 楓林 mùa thu tới, còn ai nhuộm được rừng cây phong cho thành màu xanh (vì cây phong mùa thu thì lá úa đỏ).

(cf. Truyện Kiều Tập Chú trang 447)

Đàm Duy Tạo[25] Rừng phong thu đã nhuộm màu quan sơn – Phong là loài cây to lá hình bàn tay có ba hay năm mảnh, đến mùa thu thì lá màu đỏ đẹp, nhưng cuối thu thì tàn rụng rất buồn. (...) Câu Kiều này lại dùng thêm điển ở một câu trong Tây sương ký “Thu lai thùy nhiễm phong lâm thúy [秋來誰染楓林翠] = Mùa thu đến, còn ai nhuộm được sắc rừng phong cho nó xanh trở lại?”

(http://viethocjournal.com/2020/06/kim-van-kieu-dinh-giai-chuong-17/)

Riêng Văn Hòe chú giải theo một thể điệu khác như sau:

chú giải số 1325. phong là một giống cây lá to mọc thành tán, xưa đời Hán hay trồng ở sân nhà vua. Vì thế điện vua gọi là phong đình, phong điện hoặc đền phong. Cây phong ngờ là cây bàng bên ta. (...) Sang mùa thu, thì lá bàng vàng và đổ dần sang màu đỏ sẫm. Màu ấy đặt vào đám rừng cây xanh thì nổi bật lên, rất dễ nhận. (cf. Nguyễn Du, Truyện Kiều, Văn Hòe chú giải và bình luận, trang 396)

Cho thấy rằng công việc chú giải Truyện Kiều không phải dễ dàng.

Xem đây bức tranh Tú Duyên (1915-2012) minh họa đoạn thơ này:

https://xem-nom-thuy-kieu.blogspot.com/2020/12/tu-duyen-1915-2012.html


Phong cảnh rất Việt Nam, nhưng không rõ cây phong là cây nào trong tranh.

Ở đây, Kiều đang chia tay với Thúc sinh về quê nhà ở Vô Tích thăm vợ cả là Hoạn thư. Kiều trao cho Thúc sinh một sứ mạng quan trọng, nghĩa là tìm cách dàn xếp ngôi thứ trong nhà:

1509. Đôi ta chút nghĩa đèo bòng,
1510. Đến nhà trước liệu nói sòng cho minh.
1511. Dù khi sóng gió bất tình,
1512. Lớn ra uy lớn tôi đành phận tôi.
1513. Hơn điều giấu ngược giấu xuôi,
1514. Lại mang những việc tày trời đến sau.
1515. Thương nhau xin nhớ lời nhau,
1516. Năm chầy cũng chẳng đi đâu mà chầy.
1517. Chén đưa nhớ bữa hôm nay,
1518. Chén mừng xin đợi ngày này năm sau.

Thúc sinh thi hành sứ mạng đó ra sao, xin xem phần sau sẽ rõ.








Comments

Popular Posts