Hoàng Hải Thủy: Vịnh Kiều Tại Ngục

 tác giả: Hoàng Hải Thủy (1933-2020)


Posted on September 2, 2011 by hoanghaithuy

Tháng Hai năm 2011, một điện thư đến với tôi.
Người gửi THC. Hà Nội.  February 14, 2011:

“Thưa Cậu, cháu ngồi quán café đọc Cậu Vịnh Kiều. Quá hay. Cám ơn Cậu. Không biết Cậu Mợ nay có còn giữ được chiếc Áo Vàng Hoa không? Mấy dòng chữ này cháu gửi sang từ điện thoại di động của cháu, cháu mong Cậu đọc được. Kính.”

THC là anh cháu tôi. Anh ở Hà Nội. Tháng Hai 2011 anh đọc tập “Tại Ngục Vịnh Kiều” trên “hoanghaithuy.com” trong một quán cà-phê ở Hà Nội, anh viết cho tôi về cảm nghĩ của anh. Hôm nay – ngày 29 Tháng Tám 2011 – ở Rừng Phong, Xứ Kỳ Hoa, tôi viết bài này.

Gửi THC. Cậu viết bài này tặng anh. Cậu còn một số chuyện để viết về Kiều và bàn loạn về Kiều. Cậu sẽ viết từ từ và dzài dzài. Cậu muốn viết những chuyện Kiều Cậu chưa kể, chưa bàn loạn trong Tại Ngục Vịnh Kiều. Thư của anh làm Cậu đi một đường cảm khái. Cậu nhớ:

Thúy Kiều gặp lại Sư Giác Duyên trên sông Tiền Ðường.
Tranh vẽ của Hoạ sĩ Mạnh Quỳnh, minh hoạ
tác phẩm “Kim Vân Kiều” tiếng Pháp,
do Nguyễn Văn Vĩnh dịch, xuất bản năm 1942.

Những đêm nằm phơi rốn trên nền xi-moong Nhà Tù Chí Hòa – Nhà Tù Lớn Nhất, Hiện Ðại Nhất Ðông Dương – phòng tù lổn ngổn những người, ông tù nào cũng ở trần, quần sà-lỏn – nhưng chuyện lạ đáng kể là 10 giờ đêm, Kẻng Ngủ vang lên, mọi hoạt động trong phòng giam ngừng lại, khi cái mùng được mắc lên, khi người tù là tôi nằm trong cái mùng, tôi có cảm giác tôi được cách xa mọi người, tôi được ở trong cõi riêng tư của tôi, tôi nhắm mắt mơ màng và tôi làm Thơ: những lời Thơ Vịnh Kiều.

Như 17 triệu 945.310  người công dân Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà – Quốc Gia bị tiêu vong – làm Thơ trong Ngục Tù Bắc Cộng, tôi nằm làm Thơ Nhẩm. Làm được một đoạn sáu câu, tám câu, phải ngừng lại, nhẩm đi, nhẩm lại cho thật thuộc, thuộc đến không còn gì có thể thuộc hơn, thuộc đến cái độ tin rằng sẽ không bào giờ mình quên, yên tâm rối rồi mới làm tiếp. Làm xong một bài, nhẩm lại năm, bẩy lượt cho thật nhớ. Rồi nhẩm lại những bài Thơ đã làm trong những đêm trước. Xong những việc ấy người Tù làm Thơ Vịnh Kiều trong Tù mới ngủ.

Cứ như thế trong Nhà Tù Chí Hoà tôi làm được một số bài Thơ Vịnh Kiều. Năm 1989 tôi đến Trại Tù Khổ Sai Z 30 A chân núi Chưá Chan, Xuân Lộc; ở Trại Tù Khổ Sai người Tù được dùng giấy bút, tôi chép những bài Thơ Vịnh Kiều của tôi lên giấy, vợ tôi đến trại thăm tôi, tôi gửi nàng mang những trang Thơ của tôi về Sài Gòn. Tôi gửi được những Trang Thơ Vịnh Kiều Trong Tù của tôi sang Hoa Kỳ. Năm 1995 ở Hoa Kỳ tôi viết những lời bình loạn bên những bài thơ vịnh Kiều tôi làm sáu năm trước trong tù ngục CS, tôi đặt tên tập Thơ của tôi là Tại Ngục Vịnh Kiều, năm 1996 Nhà Làng Văn, Canada, xuất bản tác phẩm Tại Ngục Vịnh Kiều.

Tháng Hai 2011, 20 năm sau những đêm tôi làm những bài Thơ Vịnh Kiều trong Nhà Tù Chí Hòa, một người ở Hà Nội đọc những bài Thơ ấy trên Internet. Cảm khái cách gì!

Những lời Thơ tôi kể ở đây đã có trong Tại Ngục Vịnh Kiều, tôi kể những lời Thơ này với những vị không đọc Tại Ngục Vịnh Kiều trên Internet.

Ðêm trong Ngục nghe Kiều đàn

Ðàn Em gió táp, mưa sa
Thiên Sơn đá lở, Hằng Hà cát rơi.
Ðàn Em xao động Ðất Trời,
Cung Thương, Cung Nhớ, Cung Người, Cung Ta!
Ðàn Em rung chuyển Ta Bà,
Tiếng gần gang tấc, tiếng xa ngàn trùng.
Em đàn từ Thủy sang Chung,
Tiếng Tan, tiếng Hợp, tiếng Cùng, tiếng Chia.
Nghe đàn Ta Tỉnh hay Mê?
Như Ði, như Ở, như Về, như Ra.
Ðàn Em quằn quại Hồn Ta.
Yêu mà Lệ rớt, Thương mà Máu rây!
Ta nghe đàn ở kiếp này,
Hay từ muôn kiếp những ngày xa khơi.
Kiếp nào Ta, kiếp nào Người?
Sao nhiều tiếng Khóc, tiếng Cười lắm thay?
Kiếp nào dở, kiếp nào hay?
Kiếp nào Ta đã, Kiếp này lại Ta!
Kiếp nào bướm, kiếp nào hoa?
Ta là hồ điệp, ta là Trang Châu!
Kiếp nào vui, kiếp nào sầu?
Ta là Tư Mã phượng cầu Văn Quân?
Kiếp nào xa, kiếp nào gần?
Thang lan Em tẩm thơm ngần thiên nhiên.
Kiếp nào Nhớ, kiếp nào Quên?
Ðào Nguyên Em nguyện, Ta nguyền Thiên Thai!
Kiếp nào Ðúng, kiếp nào Sai?
Mái Tây Anh lỡ Em hoài ngàn năm!
Kiếp nào Oán, kiếp nào Căm?
Cỏ xanh dưới mộ Em nằm tuyết sương!
Kiếp nào Tiếc, kiếp nào Thương?
Nhớ nhau dạ vũ Nghê Thường tim nhau.
Kiếp nào Trước, kiếp nào Sau?
Kiếp nào Tử Biệt, kiếp nào Sinh Ly?
Kiếp nào Ðến, kiếp nào Ði?
Kiếp nào khăn gấm, quạt quì trao tay?
Kiếp nào Trả, kiếp nào Vay?
Kiếp nào Yêu để kiếp này Nhớ Thương?
Ðàn Em xao động Âm Dương,
Ðàn Em rung chuyển mọi đường trần gian.
Ba sinh hương lửa chưa tàn.
Tỉnh Mê nghe tiếng Em đàn thương nhau.
Ðàn Em gió thảm, mưa sầu,
Hồn Ta rỏ máu từ đầu đến chân.
Ðàn Em Trời Ðất vang ngân,
Thời Gian Trăng vẫn in ngần Mày Em!

«Ðêm trong Ngục nghe Kiều đàn» 72 câu lục bát. Trong Thơ có nhiều điển tích Tầu, như:

Kiếp nào Ðúng, kiếp nào Sai?
Mái Tây Anh lỡ Em hoài ngàn năm!
Kiếp nào Oán, kiếp nào Căm?
Cỏ xanh dưới mộ Em nằm tuyết sương!
Kiếp nào Tiếc, kiếp nào Thương?
Nhớ nhau dạ vũ Nghê Thường tim nhau.

Chuyện Tình Dưới Mái Tây Hiên, Thôi Oanh Oanh yêu Trương Quân Thụy, chuyện Chiêu Quân chết trên đất Hồ, chuyện Đường Minh Hoàng thương nhớ Dương Quí Phi, mơ lên Cung Trăng tìm Nàng.

Trang đầu quyển Truyện Thúy Kiều do ông Trần Trọng Kim và ông Bùi Kỷ chú giải, xuất bản năm 1950. Quyển Kiều này theo CTHÐ (*1) vào Nhà Tù Chí Hoà, theo CTHÐ (*1) sang Kỳ Hoa Ðất Trích.

Tôi làm bài Thơ «Ðêm trong Ngục nghe Kiều đàn» trong hai đêm. Nay nhớ lại, tôi không biết tại sao những đêm xưa trong Nhà Tù Chí Hòa tôi làm được những lời Thơ như thế, tại sao năm xưa tôi có thể làm Thơ Nhẩm trong óc và tại sao tôi Nhớ được!

Tôi đọc Kiều lần đầu những năm 1940, 1941, năm tôi chưa đầy 10 tuổi. Bản Truyện Kiều thứ nhất tôi đọc là bản Truyện Kim Vân Kiều của chị tôi, loại sách phổ thông không có lời bình chú những năm xưa ấy được bán ở những tiệm tạp hoá. Tôi đọc Kiều mà chẳng hiểu gì cả. Tôi nghe loáng thoáng người lớn nói về một người nào đó tên là Sở Khanh với giọng khinh miệt: «Thằng đó là thằng Sở Khanh! Ðồ Sở Khanh!» Nên tôi théc méc khi thấy trong Truyện Kiều có anh Sở Khanh. Tôi nghĩ: «Ai cũng biết Sở Khanh là thằng không ra gì. Sao nó lại lấy tên là Sở Khanh? Tên là Sở Khanh thì còn lừa ai được?’

Năm 1948, 1949, một anh trong cơ quan tôi có quyển Truyện Kiều. Tôi mượn đọc, khi tôi trả anh quyển sách, anh hỏi tôi:

«Trong Kiều, chú thích nhân vật nào nhất?»

Tôi trả lời:

«Em thích Thúc Kỳ Tâm.»

Anh ngạc nhiên:

«Thúc Sinh là thằng ăn chơi, sợ vợ. Nó có cái gì mà chú thích nó?»

Năm xưa ấy tôi không thể nói tại sao tôi thích Thúc Sinh. Nhiều năm sau, khi nhớ lại, tôi thấy tại sao tôi thích nhân vật Thúc Sinh, người tôi gọi là Công Tử Chạp Phô:

Tại sao tôi không thích Kim Trọng? Tôi không đẹp trai, người ngợm không có một xu hào hoa phong nhã, tôi học dzốt, đã dzốt lại lười, thích chơi hơn học, tôi không thích làm quan, những ông Phủ, ông Huyện tôi được thấy năm tôi nhỏ ở thị xã Hà Ðông bên hông Hà Nội không ông nào tôi có cảm tình, ông nào cũng làm tôi chán ngấy. Ðọc trong tiểu thuyết Giông Tố của ông Vũ Trọng Phụng, tôi thấy những ông tri phủ, tri huyện tệ mạt quá cỡ thợ mộc. Vì vậy tôi không thích Kim Trọng.

Tại sao tôi không thích Từ Hải? Mèn ơi..! Còn hỏi tại sao nữa! Tôi tổ sư Nhát, tôi không thích đánh nhau, tôi không muốn đánh ai, tôi không muốn ai đánh tôi, tôi không thích võ nghệ, tôi muốn sống một đời an nhàn, vô sự. Tôi có khùng đâu mà thích Từ Hải. Nội cái chuyện Từ Hải bị Chít Ðứng là tôi «kính nhi viễn chi.»

Dzài dzài trong bao nhiêu năm mỗi lần nhớ lại, xét lại, tìm hiểu tại sao tôi thích Thúc Sinh, tôi thấy việc tôi thích Thúc Sinh là hợp lý. Là có căn nguyên. Tôi có cảm tình với Thúc sinh vì tôi giống Thúc Sinh. Như Thúc sinh, tôi ham chơi, tôi không dám nhận trách nhiệm, đúng hơn tôi trốn trách nhiệm, tôi dzễ dzàng làm những việc tôi không được quyền làm, tôi hay Khóc như Thúc Sinh, tôi biết việc tôi làm là bậy nhưng tôi cứ làm, tôi cãi bướng: «Trót vì tay đã nhúng chàm… Dzại dzồi còn biết Khôn làm sao đây..» Và như Thúc Sinh, đến phút cuối cùng, tôi rơi nước mắt nói với Nàng:

«Liệu mà xa chạy, cao bay!
Ái ân ta có ngần này mà thôi.»
Em trốn đi Em, Trời Ðất khép.
Dâu biển Tình Ta cũng hợp tan!

Thúy Kiều có ba người đàn ông trong đời nàng, nàng có ba người tình: Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải. Tình của Kiều với Kim Trọng là Tình Lãng Mạn, Tình Nữ sinh, Tình Trinh Nữ, Tình Gái Nhà Lành mới lớn, Tình chưa đi đến đâu cả, Tình Thề Thốt Vẩn Vương, Tình chỉ mới có mấy cái nắm tay nhau, Tình chưa một lần hôn má. Tình của Kiều với Từ Hải là thứ Tình không có Tình Yêu, lại càng không có Tình Thương, Tình Oan Trái. Kiều chỉ có mối Tình với Thúc Sinh là đáng kể.

Tôi thấy ông Tri Phủ Lâm Tri biết tài sắc ngàn vàng của Kiều, ông Tri Phủ làm cho Thúc Ông vác đơn kiện anh con bị tẽn tò, ông Tri Phủ làm chủ hôn  đám cưới cho Kiều làm vợ Thúc Sinh, là người yêu Kiều chân chính và thầm kín. Tri Phủ yêu Kiều nhưng không đòi hỏi được hưởng thân xác thơm như múi mít của Kiều. Yêu đàn bà đẹp như dzậy mới là Yêu. Ông yêu Kiều nhưng ông không có cơ duyên, cơ hội và điều kiện yêu Kiều. Trong Tại Ngục Vịnh Kiều tôi trách Thúy Kiều đã quên ông Tri Phủ Ða Tình Hào Hoa Số Một Thành Lâm Tri. Khi thành Lệnh Bà, nàng làm cuộc thanh toán ân oán, nàng thẳng tay hành hạ những kẻ làm hại nàng, nàng đền ơn ngàn vàng cho bà Vãi Giác Duyên – bà này không đáng dược nàng đền ơn – nhưng nàng quên ông Tri Phủ.

Lập Tòa Em xử vẩn vương,
Trách Em ân oán đôi đường chưa minh.
Lâm Tri tri phủ đa tình,
Gả chồng công lớn, sao mình lại quên?
Ngàn vàng Em tạ Giác Duyên.
Bố Già vất vả Em chẳng đền một xu.
Kiếp này Em lại vụng đường tu! (*2)

Tình Kiều-Thúc Sinh là Tình đến nơi, đến chốn. Tình đầy đủ phải có Tình Dục. Tình Thúy Kiều-Kỳ Tâm có đủ thứ Tình cần phải có trong Tình Yêu. Tôi thấy trong ba người đàn ông yêu Kiều, Thúc Kỳ Tâm là người yêu thương Kiều nhất. Kỳ Tâm là người được Thúy Kiều yêu nhiều nhất.

Với tôi, những lời Thơ Nhớ Thương Tuyệt nhất trong Kiều, Tuyệt nhất trong Thơ Việt từ ngày Việt Nam có Thơ Nhớ Thương, là những lời tả Tình Yêu Thúy Kiều của Thúc Kỳ Tâm:

Mày ai trăng mới in ngần.
Phấn thừa, hương cũ bội phần xót xa. (*3)
Dẫu rằng sông cạn, đá mòn.
Con tằm đến thác cũng còn vương tơ.

Thúc Kỳ Tâm khóc vì thương Thúy Kiều năm lần.

Khóc khi Kiều bị Tri Phủ Lâm Tri đánh:

Khóc rằng: “Oan khuất vì ta,
Có nghe lời trước, chẳng đà lụy sau.”

Khóc khi từ Vô Tích trở về Lâm Tri, thấy Kiều chết:

Hỡi ơi! Nói hết sự duyên,
Tơ tình đứt ruột, lửa phiền cháy gan.
Gieo mình vật vã khóc than:
“Con người thế ấy, thác oan thế này...”

“Nói hết sự duyên” ở đây là “Làm sao nói hết sự duyên.”

Khóc khi về Vô Tích, thấy Thúy Kiều là Hoa Nô:

Sợ quen dám hở ra lời,
Khôn ngăn giọt ngọc sụt sùi rỏ sa.

Sinh càng như dại như ngây,
Giọt dài, giọt ngắn, chén đầy, chén vơi.

Khóc khi nghe Kiều đàn trong bữa tiệc gia hình do Hoạn Thư tổ chức:

Giọt châu lã chã khôn cầm,
Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt Tương.

Khóc khi đến với Kiều ở Quan Âm Các:

Thừa cơ Sinh mới lẻn ra,
Xăm xăm đến mé vườn hoa với nàng.
Sụt sùi dở nỗi đoạn tràng,
Giọt châu tầm tã đẫm tràng áo xanh.

Trong những đêm mần Thơ Vịnh Kiều trên sàn xi-moong Nhà Tù Chí Hòa, tôi diễn tả Tình Kỳ Tâm yêu Thúy Kiều bằng những lời tha thiết nhất:

Vàng phai, đá nát đành ly biệt,
Núi mòn, sông cạn vẫn tình quân.
Em trốn đi Em, trời đất khép.
Dâu biển tình ta cũng hợp tan.
Liệu mà xa chạy, cao bay tuyệt.
Ái ân ta có bấy nhiêu ngần.
Hồn Anh trọn kiếp mê hồ điệp,
Thịt xương run mãi ngón Em đàn.
Em có nhớ chăng, Em có tiếc
Những mùa yêu cũ đã tiêu tan?
Nhớ những chiều vàng, đêm ngọc biếc
Còn nhớ ngày Em tắm giữa màn?
Phấn thưà, hương cũ đau khôn xiết.
Mày Em trăng mới vẫn in ngần.
Em yêu Anh nhất, thơ còn viết.
Sợ vợ hay không mặc chúng bàn.

o O o

Truyện Thúy Kiều, Nhà Tân Việt xuất bản ở Sài Gòn Tháng Giêng năm 1950. Viết “Giấy phép xuất bản của bộ Thông Tin Nam Việt” là không đúng. Năm 1950 Quốc Gia VN có ba kỳ, mỗi kỳ có một Nha Thông Tin. Giấy phép xuất bản quyển Truyện Thúy Kiều này do Nha Thông Tin Nam Việt cấp.

Tôi cảm khái khi thấy trong một quyển Truyện Kiều của tôi, tìm được sau năm 2000, có chừng 10 bức tranh minh hoạ của Họa sĩ Mạnh Quỳnh. Ðã 60 năm tôi mới lại được thấy nét vẽ của Họa sĩ Mạnh Quỳnh. Nhiều người Việt năm nay tuổi đời Sáu Bó, không biết Mạnh Quỳnh là ai. Với tôi, những năm 1941, 1942 tôi 10 tuổi, Mạnh Quỳnh là hoa sĩ nổi tiếng ở Bắc Kỳ. Ông vẽ nhiều tranh cho thiếu nhi. Tôi rất thích nét vẽ của ông. Tôi không nhớ năm 1942 hay 1943, ông bố tôi đi Hà Nội mua cho tôi quyển “Guy-li-ve Du ký” bằng tranh vẽ của Họạ sĩ Mạnh Quỳnh. Tác phẩm mới xuất bản. Tôi quí quyển sách hơn vàng. Tôi mang sách tản cư chạy loạn về làng quê với tôi. Tôi mất sách trong cơn binh lửa. Hoạ sĩ Mạnh Quỳnh ở lại Hà Nội sau năm 1954. Không thấy ông sáng tác gì ở Hà Nội sau năm đất nước bị chia cắt. Ông muốn làm phim hoạt hoạ Việt Nam  nhưng ước muốn của ông không thành. Tôi không biết  ông mất năm nào.

Tôi có khoảng 10 quyển sách theo tôi từ Sài Gòn sang Kỳ Hoa, trong số có quyển Truyện Thúy Kiều. Tôi đăng 2 trang Truyện Thúy Kiều trong bài này. Tôi mua Truyện Thúy Kiều năm 1952 ở Sài Gòn. Năm 1988 sau khi có án, tôi sang nằm Khu FG Nhà Tù Chí Hoà chờ lên cái gọi là Tòa Trên xử lại, rồi đi Trại Tù Khổ Sai. Khu FG giam những người tù đã có án nên kỷ luật được nới hơn những khu khác. Tôi nhắn vợ con tôi gửi vào nhà tù cho tôi quyển Truyện Kiều. Quyển Truyện Thúy Kiều này vào Nhà Tù Chí Hòa với tôi. Tôi nằm đọc Kiều trong Nhà Tù và đêm đêm làm những bài Thơ Vịnh Kiều. Tôi đem quyển Truyện Thúy Kiều này lên Trại Tù Khổ Sai Z 30 A. Mãn án, tôi đem Truyện Thúy Kiều trở về mái nhà xưa của tôi trong Cư Xá Tự Do, Ngã Ba Ông Tạ. Khi tôi sang Mỹ, sợ bị công an khám xét, tôi để Truyện Thúy Kiều ở nhà. Con tôi gửi người mang sang Kỳ Hoa cho tôi. Hiện Truyện Thúy Kiều ở Rừng Phong với tôi.

Truyện Thúy Kiều là quyển sách có số tuổi cao nhất trong số sách của tôi. Sách ra đời – được in – năm 1950. Tới hôm nay – Ngày 29 Tháng 8, 2011, sách có tuổi đời Sáu Bó Lẻ Một Que. Như người đàn bà đẹp, sách già đi, những trang giấy, như làn da người, trở thành vàng uá, khô cứng, rạn nứt, rời rã theo năm tháng. Sách mất bìa, long gáy, nhiều trang rách. Sách ở với tôi ở Sài Gòn, trong ngục tù cộng sản, ở Kỳ Hoa Ðất Trích. Ðến sau ngày tôi không còn ở cõi đời này, nó sẽ mất theo tôi.

Tôi sẽ viết, sẽ bàn loạn, dzài dzài về Kiều.  Bắt chước ông Trương Tửu, tôi muốn viết về những chuyện chưa ai viết. Xin hẹn với quí vị – và anh THC – tuần tới.


Chú thích





(*1) CTHÐ: Công Tử Hà Đông
(*2) đường tu: Hoàng Hải Thủy ghi sai là "đương tu". Xem http://vietnamtudien.org/TruyenKieu/
1195. Kiếp xưa đã vụng đường tu,
1196. Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi.

(*3)  xót xa: Hoàng Hải Thủy ghi sai là "xót sa".
1793. Mày ai trăng mới in ngần,
1794. Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa.

Nguồn: https://hoanghaithuy.wordpress.com/2011/09/02/vinh-kieu-tai-nguc/








Comments

Popular Posts